19/04/2023 09:08
Doanh nghiệp FDI đề xuất giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Việt Nam chủ động giành quyền đánh thuế, đồng thời tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trong thu hút vốn FDI. Các nhà hoạch định đưa ra giải pháp khi thời gian đang tới gần.
Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng vào năm sau ở một số nước đang là chủ đề được cộng đồng doanh nghiệp FDI, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn tại Việt Nam, quan tâm.
Tại hội thảo "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam" ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này khi được áp dụng từ năm 2024.
Bên cạnh các đánh giá về tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tới thị trường trong nước, các chuyên gia, doanh nghiệp FDI cũng đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm ứng phó với tác động của chính sách thuế này.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết việc thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai áp dụng sẽ khiến chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI, thậm chí còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, khi thuế suất này được áp dụng, các công ty đang hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ đặt trụ sở. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
"Khó khăn thậm chí còn lớn hơn với các tập đoàn đang đặt cứ điểm sản xuất tại các nước thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế TNDN. Đối với những quốc gia đã và đang áp dụng đa dạng chính sách thu hút đầu tư như ưu đãi thuế TNDN và ưu đãi dựa trên chi phí sẽ bị ảnh hưởng ít hơn", ông Choi Joo Ho cho biết.
Theo vị lãnh đạo Samsung Việt Nam, trong bối cảnh này, nếu không có giải pháp ứng phó triệt để sẽ dẫn tới sự gia tăng khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp FDI, kéo theo sự giảm sút trong năng lực cạnh tranh của chính những doanh nghiệp này.
Hiện tại, theo chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, Samsung có 6 pháp nhân sản xuất, 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD và chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại được sản xuất trên toàn thế giới.
Việt Nam cũng được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung. Tuy nhiên, dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Vì vậy, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất cần xây dựng các hình thức hỗ trợ mới để bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có thể nghiên cứu thay đổi chính sách ưu đãi thuế TNDN sang hỗ trợ đầu tư mang lại hiệu quả thực cho nhà đầu tư.
"Chúng tôi kiến nghị áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Ấn Độ… ", Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất.
Đồng thời ông Choi Joo Ho cho rằng có thể áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Ông Tomoki Miyazaki, Giám đốc Tài chính kế toán Canon Việt Nam, thì bày tỏ, doanh nghiệp khi mất ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm sức cạnh tranh so với doanh nghiệp ở các quốc gia khác. Điều đó gây ảnh hưởng đến việc phân phối kế hoạch sản xuất của tập đoàn với các quốc gia khác cạnh tranh hơn. "Các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư hay đầu tư mới sẽ thay đổi kế hoạch đầu tư vào các quốc gia khác có chính sách ưu đãi hơn để đầu tư", ông nói.
Đại diện các tập đoàn đều cùng đề xuất cơ quan điều hành sớm xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho việc sụt giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam phát sinh do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai hỗ trợ sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp, kèm các tiêu chuẩn áp dụng đi kèm, theo Dân trí.
Cũng đưa ra các đề xuất để ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, cho rằng với vị trí là một quốc gia tiếp nhận đầu tư, bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam thời điểm này cần đạt được hai mục tiêu quan trọng.
Một là chủ động giành quyền đánh thuế. Hai là, tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Với hai mục tiêu này, ông Robert King đề xuất Việt Nam nên luật hóa cơ chế QDMTT, áp dụng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, nên có các chính sách hỗ trợ đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cho rằng trước động thái rõ ràng của các nước đang phát triển và các quốc gia cạnh tranh đầu tư với Việt Nam, nếu Việt Nam không hành động sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề là mất đi nguồn thu thuế bổ sung tiềm năng từ thu nhập phát sinh, sau đó sẽ bị đánh thuế bổ sung ở bất kỳ quốc gia khác, theo Zing.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh đầu tư một cách tiêu cực nếu các nước khác thay đổi chính sách đầu tư và chính sách thuế mang lại lợi ích tài chính cho các doanh nghiệp FDI.
"Do đó, để đảm bảo đủ năng lực tiếp tục tham gia cuộc cạnh tranh mới, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để đảm bảo chủ động giữ quyền đánh thuế của Việt Nam", ông Tuấn nói và cho rằng cũng cần cân nhắc các chính sách hỗ trợ/ưu đãi đầu tư mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp hơn với bối cảnh hậu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo thông tin từ ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), giai đoạn 2020-2022, tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp khoảng 18-21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39-41% tổng số thu thuế. Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement