03/05/2024 12:52
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xử lý sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; đồng thời thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.
Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.
Dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...
Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng như: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng góp phần thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.
Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành và địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai Đề án xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng để kết nối với Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp