21/05/2024 12:57
Thủ tướng: Phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay
"Tiếp tục phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội", Thủ tướng chỉ đạo.
Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác.
Thủ tướng yêu cầu nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam lưu ý bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới và việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương; làm việc với các ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng thương mại lớn ngoài Nhà nước để chỉ đạo, yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động…
"Tiếp tục phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội", Thủ tướng chỉ đạo.
NHNN cũng cần điều hành nghiệp vụ thị trường mở, cung ứng tiền... hiệu quả, linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
Đồng thời, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước, theo Zing.
Cùng với đó NHNN triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả, có giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý 2 năm nay ở mức 5-6%.
Để giảm được lãi suất cho vay là thách thức không nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng thêm nguồn vốn không kỳ hạn, các ngân hàng sẽ phải tiết giảm thêm chi phí hoạt động, điều hành.
Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết: "Chúng ta biết là chi phí hoạt động chiếm từ 30-40%. Trong quý 1 thì chúng tôi thấy rất nhiều ngân hàng cố gắng giảm chi phí hoạt động, để họ giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ".
Cũng theo thống kê của chứng khoán Smart Invest, tốc độ giảm lãi suất cho vay đang nhanh hơn. Trong quý 1, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,7% so với cuối năm 2023, trong khi lãi suất huy động hạ 0,3%. Do đó, áp lực lãi suất huy động dù có tăng lên trong thời gian gần đây nhưng chưa tác động ngay tới mặt bằng lãi suất cho vay. Cộng thêm chỉ đạo của chính phủ, các ngân hàng thương mại sẽ phải tìm cách cân đối nguồn vốn vào - ra nhiều hơn, theo VTV.
Việc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp