02/08/2024 13:14
Thiệt hại hàng chục tỷ USD, bảo hiểm vẫn khó chi trả
Các đợt nắng nóng tại Mỹ đang gây thiệt hại hàng chục tỉ USD mỗi năm, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và không được bảo hiểm chi trả.
Các đợt nắng nóng gay gắt đang ảnh hưởng đến hàng chục triệu người Mỹ. Không chỉ gây hư hỏng mái nhà, héo úa cây trồng, cong vênh đường phố, mà những cơn nắng nóng còn gây gián đoạn nguồn cung cấp điện. Phần lớn thiệt hại này rất khó để định lượng và không được bảo hiểm chi trả.
Hiện nay, các thành phố, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang cảnh báo về tình trạng chi phí leo thang do các đợt nắng nóng, ước tính thiệt hại hàng chục tỉ USD mỗi năm.
"Hiện tượng nắng nóng cực đoan không chỉ là một sự biến đổi của thời tiết. Đó là một thảm họa âm thầm, ngày càng lớn và gây tổn thất đến sức khỏe con người, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng", ông Ricardo Lara, Ủy viên Bảo hiểm bang California, cho biết.
Theo dữ liệu từ chính phủ, các đợt nắng nóng đã trở nên dữ dội hơn, kéo dài hơn và gấp ba lần so với 60 năm trước. Xu hướng tăng này dự kiến sẽ tiếp tục khi biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực dễ bị tổn thương trước những ngày có nhiệt độ tăng kỷ lục gần đây.
Các chính sách bảo hiểm tiêu chuẩn được thiết kế để bảo vệ khỏi các thiệt hại bất ngờ như hỏa hoạn, bão lũ và trộm cắp, nhưng thường không bao gồm các tác động của nắng nóng cực đoan.
Theo một báo cáo của công ty môi giới bảo hiểm Aon vào tháng 3, ngành nông nghiệp và xây dựng tại Mỹ mất khoảng 100 tỉ USD sản lượng hàng năm do nắng nóng cực đoan.
Nhiệt độ cao cũng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của các công nhân làm việc bên ngoài. Tỉ lệ bị thương trong quá trình làm việc của các công nhân xây dựng đã cao hơn 20% so với bình thường, khi nhiệt độ tăng trên 95 độ F (35 độ C), theo Viện Nghiên cứu Bồi thường Lao động.
Ngoài ra, nắng nóng cũng làm giảm chất lượng và sản lượng cây trồng, tuy nhiên những thiệt hại này có thể không rõ ràng cho đến mùa thu hoạch. Một chương trình bảo hiểm liên bang chi trả thiệt hại do nhiệt độ đối với một số loại cây trồng nhưng trừ một số loại trái cây và rau quả như dưa hấu, bí và rau xà lách.
Các nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiệt độ cao, gây hỏng hóc máy móc và buộc công nhân phải nghỉ làm. Một nghiên cứu của California về bảy đợt nắng nóng ước tính ngành công nghiệp này đã mất hơn 700 triệu USD do sản lượng giảm. Tuy nhiên, các công ty cho biết họ có rất ít cách để bù đắp những khoản lỗ đó.
Các chính sách bảo hiểm có khoản chi trả dựa trên nhiệt độ đang là giải pháp được đề xuất ngày càng nhiều cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Các chính sách này được gọi là bảo hiểm tham số, một hình thức định giá về mức độ nhiệt độ, cho phép các công ty bảo vệ khỏi những rủi ro khó bao phủ bằng các chính sách bảo hiểm truyền thống.
"Các khoản chi trả dựa trên nhiệt độ đã được các công ty tiện ích và năng lượng sử dụng trong một thời gian dài. Những công ty này nhận thấy sự quan tâm gia tăng từ các ngành khác, bao gồm xây dựng và nông nghiệp", ông Cole Mayer, Giám đốc Điều hành Aon, cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Ted Lamm, Giám đốc Trung tâm Luật, Năng lượng và Môi trường tại Đại học California Berkeley, các đợt nắng nóng dễ dự đoán hơn so với các thảm họa tự nhiên khác. Điều này có thể làm cho chi phí bảo hiểm trở nên đắt đỏ hơn so với việc chỉ chi trả các chi phí bổ sung.
Thực tế, những tổn thất do nhiệt độ tăng cao có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các công ty bảo hiểm. Ví dụ, nhiệt độ cao có thể làm cho mái nhà bị cong vênh hoặc nứt, dẫn đến việc mái nhà bị dột hoặc hư hỏng do tác động của gió. Những thiệt hại này thường được bảo hiểm nhà cửa chi trả. Tương tự, nắng nóng cực đoan có thể làm nứt móng nhà, làm cong khung cửa sổ và thậm chí tạo môi trường cho các vết nấm mốc.
Không chỉ có vậy, nhiệt độ cao cũng có thể làm nóng động cơ xe, gây hỏng hóc và dẫn đến sự tăng lên của số lượng yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe hơi cho việc kéo hoặc hỗ trợ bên đường.
"Ảnh hưởng sâu rộng của các đợt nắng nóng cực đoan này thậm chí còn mang ý nghĩa quan trọng hơn trong ngành bảo hiểm. Nắng nóng cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, mà còn làm căng thẳng hệ thống năng lượng, đe dọa nông nghiệp và tăng nguy cơ xảy ra các thảm họa tự nhiên khác", ông David Flandro, Trưởng bộ phận phân tích ngành tại công ty môi giới tái bảo hiểm Howden Re, cho biết.
(Nguồn: WSJ)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement