06/07/2022 06:56
Thị trường nông sản 6/7: Giá cao su tăng giảm trái chiều
Thị trường nông sản hôm nay không có nhiều biến động. Giá cà phê giảm, hồ tiêu đi ngang, cao su tăng giảm trái chiều.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê đi ngang, giá cà phê ở Lâm Đồng có giá 41.700 đồng/kg, Đắk Lắk ở mức 42,300 đồng/kg, Gia Lai là 42,200 đồng/kg, Đắk Nông ở ngưỡng 42,200 đồng/kg, Kon Tum dao động ở mức 42,200 đồng/kg, tại cảng TP.HCM ở ngưỡng 46,200 đồng/kg.
Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê robusta tháng 6 tăng so với tháng trước và tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2021, tăng tới 21,7% so với cùng kỳ, trong bối cảnh Brazil vừa hoàn tất thu hoạch vụ mùa Conilon robusta năm nay với dự kiến sản lượng đạt mức kỷ lục 17,72 triệu bao, theo khảo sát lần 2 của Conab.
Tại Việt Nam, sản lượng dự báo đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.095 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 57 USD/tấn (tương đương mức giảm 2,6%) so với ngày 28/5, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Trong bối cảnh một mình một chợ, cà phê Robusta giao dịch ảm đạm và trượt nhẹ, lần đầu tiên đưa mức giá tháng 9/2022 xuống dưới mốc nguy hiểm 2.000 USD/tấn. Ngoài những thông tin bất lợi như đã phân tích trong tuần trước, tình hình lạm phát tại Anh tăng cao cũng đang đẩy giá Robusta gặp bất lợi.
Theo nhận định, mùa hè thường là giai đoạn giao dịch cà phê khá trầm lắng. Năm nay, thị trường không nằm ngoài tình hình chung ấy nhưng…chỉ có cà phê thực, tức thị trường xuất khẩu. Còn giá cả trên các sàn tài chính cà phê vẫn dao động rất mạnh do những lần thay đổi chính sách tiền tệ các nước mang lại.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích, đến nay, hàng Robusta Brazil với vụ mùa bội thu đã có mặt trên thị trường hơn 2 tháng. Kết hợp với lượng Robusta Việt Nam xuất mạnh và đồng nội tệ Brazil mất giá đã làm lung lạc thị trường thời gian qua. Và cà phê Arabica Brazil hiện đang còn treo trên cây với một thị trường đang ngóng tin rét đậm rét hại. Nên giá cà phê có tăng khi có tin Brazil giá lạnh, thì phần ưu tiên đổ dồn lên sàn Arabica hơn Robusta.
Giá tiêu đi ngang
Giá tiêu hôm nay đi ngang, cao nhất ở ngưỡng 72.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 69.000 đồng/kg tại Gia Lai, Đồng Nai, Đắk Nông và Đắk Lắk, dao động trong mức 70.500 đồng/kg, Bình Phước, dao động ở ngưỡng 71.000 đồng/kg, Đồng Nai , dao động ở ngưỡng 69.000đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Thị trường trong nước đang trong giai đoạn ổn định với lực mua yếu. Với giá tiêu xuất khẩu, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế vẫn niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam ở mức: 3.650 USD/tấn loại 500g/l, 3.900 loại 550g/tấn với tiêu đen; 5.700 USD/tấn với tiêu trắng. Tính chung toàn cầu, từ đầu tháng giá tiêu xuất khẩu các nước giữ ổn định, duy nhất tại Indonesia giảm nhẹ. Thị trường vẫn đang chờ lực cầu xuất khẩu tháng 8/2022 và sức tiêu thị tăng từ Trung Quốc.
Công ty Spices trong báo cáo tháng 6/2022 đã ghi nhận những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam là khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tốt hơn so với năm ngoái.
Tuy vậy thời gian qua, tại một số huyện, thị xã vùng Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại cây trồng. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ nhưng đến nay diện tích cây trồng bị sâu bệnh vẫn tăng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, địa bàn tỉnh có 3.020,5 ha cà phê bị nhiễm bệnh gỉ sắt, 2.635,5 ha bị rệp sáp; 980 ha hồ tiêu bị bệnh vàng lá chết chậm (tăng 11 ha); 132,9 ha mía bị xén tóc gây hại (tăng 4,5 ha so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu tại các huyện, thị xã: An Khê, Kbang, Đak Pơ, Krông Pa; 71 ha bị bọ hung gây hại (tăng 12 ha so với cùng kỳ năm trước).
Còn tại Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông thông tin, năm 2022, đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu giảm hơn 1.320 ha so với cùng kỳ năm 2021. Từ năm 2010 đến 2017, do hồ tiêu được giá nên diện tích hồ tiêu của tỉnh tăng rất nhanh. Tuy nhiên, từ năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần qua các năm. Nguyên nhân là do khi được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật...
Khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh nên tiêu chết hàng loạt.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của sản lượng hồ tiêu giảm trên phạm vi toàn cầu những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; nhiều vườn tiêu già đã quá tuổi kinh doanh nên năng suất thấp, nông dân không mặn mà chăm sóc vì lợi nhuận thấp; và dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Giá cao su tăng giảm trái chiều
Giá cao su ngày 6/7 tăng giảm trái chiều nhau. Giá cao su kỳ hạn trên Sàn TOCOM tăng nhẹ dưới 1% trong phiên sáng nay.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 6/7/2022, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 9/2022, giảm nhẹ xuống mức 256,8 JPY/kg, giảm nhẹ 0,5 yên, tương đương 0,19%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 95 CNY, ghi nhận 12.865 CNY/tấn, tương đương 0,74%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại về các hãng ô tô sản xuất chậm lại và do giá hàng hóa sụt giảm trong bối cảnh lo sợ suy thoái toàn cầu.
Giá cao su tại Thượng Hải tăng, với hy vọng phục hồi kinh tế tại Trung Quốc có thể hỗ trợ thị trường cao su trong tuần tới.
Tại Thái Lan, giá giảm mạnh so với cuối tháng 5/2022. Giá thấp do nguồn cung cao trong mùa cao điểm khai thác mủ ở Thái Lan.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114 nghìn tấn cao su, tương đương 195 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng 4. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2021 phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD.
Xuất khẩu cao su ngày càng tăng cả về lượng và chất, tuy nhiên diện tích và sản lượng cao su của Việt Nam gần đây liên tục giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp.
Điều này dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp