29/04/2022 10:23
Thị trường nông sản 29/4: Giá tiêu, cao su tăng nhẹ, cà phê giảm
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá tiêu và cao su tăng nhẹ trong khi giá cà phê giảm.
Giá tiêu tăng nhẹ
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 76.000 – 79.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai: 76.500 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 77.000 đồng/kg; Bình Phước 78.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trên bình diện thế giới, lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó giá hồ tiêu toàn cầu trong những tháng qua không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng hồ tiêu toàn cầu được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022 (theo IPC), chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.
Xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu của các quốc gia sản xuất trong năm 2021 ước tính đạt 475.889 tấn, giảm khoảng 4% so với với năm 2020, thay vì giảm 9% so với dự báo trước đó.
Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của Mỹ trong năm 2021 tiếp tục tăng với lượng nhập khẩu lên đến 94.174 tấn, tăng 8,8% về lượng và tăng 44,4% về trị giá so với năm 2020. Liên minh châu Âu (EU) tăng cường kiểm soát hồ tiêu nhập khẩu từ Brazil với yêu cầu giấy chứng nhận và kết quả phân tích chứng minh không có vi khuẩn Salmonella.
Năm 2021, Campuchia xuất khẩu đạt 27.111 tấn hồ tiêu, tăng 81% so với năm 2020. Trong khi xuất khẩu chính ngạch chiếm 22,6% còn lại là xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Quý I/2022, Campuchia đã xuất khẩu hơn 3.073 tấn, tăng 175% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam là thị trường nhập khẩu chủ yếu với 2.914 tấn, tiếp theo là Đức - 106 tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2022 xuất khẩu hạt tiêu tăng cả khối lượng, kim ngạch và giá so với tháng 2/2022, với mức tăng tương ứng 63,6%, 69,3% và 3,5%, đạt 23.727 tấn, tương đương 111,68 triệu USD, giá trung bình 4.707 USD/tấn.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu 53.778 tấn hạt tiêu, tương đương 250,8 triệu USD, giá trung bình 4.663,6 USD/tấn, giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 39,3% về kim ngạch và tăng 59,6% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Mỹ tiêu thụ nhiều nhất các loại hạt tiêu của Việt Nam, đạt 15.062 tấn, tương đương 74,18 triệu USD, chiếm 28% trong tổng lượng và chiếm 29,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước, tăng 7,2% về lượng, tăng 66% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, giá tăng mạnh 54,9%, đạt 4.925 USD/tấn.
Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU chiếm 16,2% trong tổng lượng và chiếm 17,7% trong tổng kim ngạch, đạt 8.732 tấn, tương đương 44,48 triệu USD, giá 5.094 USD/tấn, tăng mạnh 50% về lượng, tăng 119,8% về kim ngạch, giá tăng 46,5%.
Giá cà phê tiếp tục giảm
Thị trường cà phê tiếp tục trầm lắng. Cà phê Arabica và Robusta tiếp tục sụt giảm do áp lực ra hàng vụ mới năm nay của Brazil và Indonesia.
Giá cà phê cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk:40.100 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng: 39.400 đồng/kg, Gia Lai: 40,000 đồng/kg, Đắk Nông: 40,000 đồng/kg, Kon Tum: 39,900 đồng/kg, TP.HCM: 44.000 đồng/kg.
Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021-2022 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại.
Tuy nhiên, giá cà phê giằng co lên xuống qua từng phiên, với nhiều yếu tố mang tính tức thời. Trong đó, yếu tố thời tiết đôi khi cũng có tác động bất ngờ tới giá giao dịch tại sàn, chẳng hạn báo cáo thời tiết khô hạn tại vùng trồng chính của bang Minas Gerais ở Brazil dường như là lý do giá tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, trong khi trước đó thị trường còn lao dốc bất ngờ.
CitiGroup ước tính niên vụ robusta của cả Brazil và Indonesia đang thu hoạch đều tăng mạnh. Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng xuất đạt 11,6 triệu bao từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay, tăng mạnh 19,1% so với niên vụ trước đó. Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới của các ngân hàng trung ương lớn đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý trên các thị trường kỳ hạn nói chung.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng điều chỉnh tăng, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 2,0 Cent (0,93%), giao dịch tại 217,55 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 0,86 Cent/lb (2.49%), giao dịch tại 217,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.
Giá cao su tăng
Giá cao su hôm nay tăng nhẹ trở lại sau phiên giảm hôm qua, giá cao su kỳ hạn quay đầu tăng nhẹ trong phiên sáng nay.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay kỳ hạn tháng 9/2022, tăng nhẹ lên mức 247,0 JPY/kg, tăng nhẹ 0,9 yên, tương đương 0,37%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 40 CNY, xuống mức 12.415 CNY/tấn, tương đương 0,32%.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay hồi phục trở lại từ mức thấp gần 6 tuần trong phiên giao dịch trước đó, sau khi sản lượng của nhà máy và doanh số bán lẻ tăng lên trong tháng 3/2022 hỗ trợ phần nào nền kinh tế vốn đang yếu.
Trong tháng 3/2022, sản lượng cao su của các nhà máy tại Nhật Bản đã tăng tháng thứ hai liên tiếp do nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 các chủng loại RSS3, STR20, USS3 tại Thái Lan, SMR20, USS3 tại Malaysia đóng cửa phiên 27/4 tiếp tục sụt giảm; SIR20 tại Indonesia có giá không đổi.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn SICOM Singapore giảm 2% chốt tại 160 US cent/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải hiện được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong phiên trước.
Chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục mạnh từ mức thấp nhất trong hai năm do kỳ vọng nước này sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh các chính sách chống virus nghiêm ngặt của mình.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp