27/05/2022 07:51
Thị trường nông sản 27/5: Giá cà phê, cao su bật tăng, hồ tiêu và ca cao giảm
Thị trường hôm nay ghi nhận tín hiệu vui từ các loại nông sản cà phê, cao su giá tăng, trong khi đó hồ tiêu và cao su vẫn xu hướng giảm.
Giá cà phê bật tăng
Giá cà phê hôm nay ghi nhận xu hướng tăng. Cụ thể tại Lâm Đồng: 41.500 đồng/kg, Đắk Lắk: 42.100 đồng/kg, Đắk Nông: 42.100 đồng/kg, Gia Lai: 42.000 đồng/kg: 42.000 đồng/kg.
Trong quý I, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng lên 30,3% trong khi Brazil lại giảm xuống còn 27,8%. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê số 1 cho Nhật Bản.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong quý I, Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Ethiopia và giảm nhập khẩu từ các thị trường Brazil, Colombia.
Theo đó, Nhật Bản nhập khẩu đạt 35,5 nghìn tấn cà phê Việt Nam, tương đương 71 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 91% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Nhật Bản.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 24,3% trong quý I/2021 lên 30,3% trong quý I/2022.
Ngược lại, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ Brazil xuống còn 33 nghìn tấn, tương đương 103 triệu USD, giảm 23% về lượng nhưng tăng 13% về giá trị so với quý I/2021.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 10,5 nghìn tấn, tương đương 26 triệu USD, tăng 40% về lượng và tăng 62% về trị giá so với tháng 4/2021.
Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 45 nghìn tấn, tương đương 110 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu cũng cho thấy trong tháng 4, giá cà phê xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2.458 USD/tấn, tăng 16% so với tháng 4/2021.
Tính chung 4 tháng, giá cà phê xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2.440 USD/tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá tiêu giảm sâu
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm sâu ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai: 69.000 đồng/kg, Đắk Nông, Đắk Lắk: 70.000 đồng/kg; Bình Phước: 70.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu: 72.000 đồng/kg.
Đầu tháng 5, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, đà phục hồi không kéo dài do giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao. Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng theo hợp đồng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới.
Điều đó dẫn đến việc các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ, dẫn đến việc giá hồ tiêu giảm. Giá hạt tiêu tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc.
Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu Việt Nam khi 90% lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine cũng đang tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ giảm.
Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hồ tiêu.
Theo báo cáo tháng 4/2022 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lũy kế từ đầu năm đến 30/4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 79.410 tấn tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 66.721 tấn, tiêu trắng đạt 12.689 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 369.7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 15,5% tương đương 14.611 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 29,2% tương đương 83,6 triệu USD.
Giá cao su tăng trở lại
Giá cao su ngày 27/5 tăng tại Thượng Hải, nhưng thị trường Osaka duy trì đà giảm. Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay, kỳ hạn tháng 9/2022, giảm nhẹ xuống mức 244,8 JPY/kg, giảm nhẹ 0,1 yên, tương đương 0,04%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải tăng trở lại 80 CNY, ghi nhận 12.920 CNY/tấn, tương đương 0,62%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm nhẹ do nguồn cung thắt chặt. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn trên sàn Thượng Hải cũng biến động sau khi đạt mức cao nhất (13.200 CNY/tấn) kể từ ngày 22/4/2022.
Trong tháng 4, xuất khẩu cao su đạt 78 nghìn tấn, tương đương 141 triệu USD, giảm 30% về lượng và giá trị so với tháng 3. Tuy nhiên so với tháng 4/2021, xuất khẩu cao su vẫn tăng 26% về lượng và 28% về giá trị.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Nguyên nhân là Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn dịch Covid-19, khiến việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su.
Trái với xu hướng giảm của thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như Ấn Độ, Nga, Mỹ, Pakistan, Tây Ban Nha, Anh tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị so với tháng 4/2021.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thị trường cao su có thể bị tác động bởi thiếu chất bán dẫn trong sản xuất ô tô, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Giá ca cao giảm
Giá ca cao kỳ hạn trên sàn ICE giảm xuống dưới 2.430 USD / tấn trong tháng 5, mức thấp nhất trong hơn 5 tháng do kỳ vọng sản lượng cao hơn giữa các nhà sản xuất lớn nhất.
Lượng mưa cao hơn ở các vùng trồng trọt của Bờ Biển Ngà đã cải thiện triển vọng cho vụ mùa giữa năm ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Nông dân từ Ghana cũng cho biết điều kiện trồng trọt thuận lợi. Trong khi đó, áp lực giảm giá cũng kéo theo nhu cầu toàn cầu thấp hơn trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và lo ngại suy thoái.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement