23/05/2022 08:27
Thị trường nông sản nối tiếp đà giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
Thị trường hôm nay ghi nhận giá cà phê, cao su, hồ tiêu và lúa mì đều giảm tại hầu hết các địa phương trồng nông sản trọng điểm.
Giá cà phê tiếp đà đi xuống
Giá cà phê duy trì đà đi xuống với mức giảm hơn 1% trên thị trường thế giới. Cụ thể tại Lâm Đồng: 40.600 đồng/kg, Đắk Lắk: 41.200 đồng/kg, Đắk Nông: 41.000 đồng/kg, Gia Lai: 41.100 đồng/kg, Kon Tum: 41.100 đồng/kg.
Trong tháng 3, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 11,8 triệu bao, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm cà phê arabica Brazil và robusta ghi nhận mức tăng 3,9% và 7,8%. Các mức tăng này bù đắp cho sự sụt giảm 7,0% trong xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác.
Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay đã giảm 1,4% xuống 59,3 triệu bao. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ các lô hàng cà phê arabica Colombia và arabica Brazil với mức giảm lần lượt là 10,5% và 11,5%.
Tuy nhiên, xuất khẩu các lô hàng cà phê arabica khác tăng 11,4% trong khi cà phê robusta cũng tăng 7% lên mức 22,05 triệu bao.
Trái ngược với sự sụt giảm của cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 3 tiếp tục tăng mạnh 18,7% lên 1,3 triệu bao.
Trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022, đã có tổng cộng 6,5 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên thế giới, tăng 13% so với 5,8 triệu bao trong cùng kỳ của vụ trước.
Với kết quả này, tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên 9,8% (tính trung bình 12 tháng) vào tháng 3 từ 8,9% trong tháng 3/2021.
Trong 6 tháng qua, Việt Nam và Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu, tăng lần lượt là 167.000 bao và 108.000 bao so với cùng kỳ.
Xuất khẩu của Brazil, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng 265.000 bao. Trong tháng 3, chỉ có duy nhất cà phê rang xay có lượng xuất khẩu giảm 2,1% xuống. 78.000 bao.
Giá cao su giảm
Giá cao su hôm nay 23/5 ghi nhận sàn giao dịch Nhật Bản quay đầu giảm nhẹ. Cao su Thượng Hải (Trung Quốc) cũng tiếp tục duy trì xu hướng giảm từ tuần trước.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 6/2022 ghi nhận mức 243.0 yen/kg, giảm 0,41% (tương đương 1 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2022 được điều chỉnh xuống mức 12.765 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,62% (tương đương 80 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78.330 tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, so với tháng 4/2021 tăng 26,3% về lượng và tăng 28,3% về trị giá.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 485.220 tấn, trị giá 856,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu, tháng 4/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 3/2022 và tăng 1,5% so với tháng 4/2021.
Giá tiêu đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 72.000 – 75.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai: 72.000 đồng/kg, Đồng Nai: 72.500 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 73.500 đồng/kg; Bình Phước: 74.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu: 75.500 đồng/kg.
Xuất khẩu hồ tiêu những tháng vừa qua có phần sụt giảm do lạm phát toàn cầu gia tăng vượt mức, trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt các cửa khẩu biên giới ở phía Bắc vì dịch bệnh Covid-19 lây lan. Điều này khiến xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ lớn này cũng bị đình trệ.
Kỳ vọng các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sớm bình thường trở lại để Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới.
Vụ thu hoạch 2022 của Việt Nam đã kết thúc, trong khi Ấn Độ, Campuchia và Brazil vẫn đang diễn ra.
Tại Brazil, nhiều bang ở miền Đông Nam nước này đã trải qua những trận mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phơi khô, dẫn đến lượng tiêu sấy bằng máy tăng.
Còn tại khu vực phía Nam Brazil, việc thu hoạch sẽ chỉ bắt đầu vào giữa năm. Hồ tiêu tại đây đã được trồng mới trong vài năm qua và dự kiến sản lượng sẽ tăng trong những năm tới.
Tại Ấn Độ, thu hoạch hiện đang tiếp tục ở bang Karnataka, chiếm gần 50% sản lượng của nước này. Tuy nhiên, việc thu hái đã hoàn tất ở hầu hết các bang Kerala và Tamil Nadu. Lượng mưa giảm trong giai đoạn hình thành quả mọng đã ảnh hưởng đến năng suất ở một số khu vực.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hồ tiêu toàn cầu trong những tháng qua không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.
Giá lúa mì giảm
Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago giảm thêm xuống dưới 12 USD / giạ từ mức cao nhất trong 14 năm là 12,8 USD chạm vào ngày 17/5 do lo ngại về nguồn cung giảm bớt. Liên Hợp Quốc cho biết họ sẽ đưa ra kế hoạch cải tạo xuất khẩu lúa mì bị cản trở bởi cuộc chiến ở Ukraine, trong khi Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ 30 tỷ USD để đảm bảo an ninh lương thực và Nga dự báo nguồn cung dồi dào trong năm tiếp thị tới.
Trong khi đó, sản lượng lúa mì của Ukraine dự kiến sẽ giảm 35% trong năm tiếp thị này xuống còn 21,5 triệu tấn do bị phá hủy trực tiếp hoặc các vấn đề hậu cần từ chiến tranh. Ngoài ra, một phần lớn các loại cây trồng còn lại không thể xuất khẩu do các cảng của Ukraine là mục tiêu tấn công của các lực lượng Nga. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố cấm vận xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp