Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường nông sản 22/7: Giá tiêu, cà phê ổn định

Giá cả hàng hóa

22/07/2022 08:12

Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá tiêu, cà phê không có nhiều biến động cả thị trường trong nước và quốc tế , trong khi đó giá cao su giảm.

Giá cà phê ổn định

Giá cà phê trong nước sáng nay ổn định, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk: 43.000 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng: 42.400 đồng/kg.

Giá cà phê tại Gia Lai: 42.900 đồng/kg, Đắk Nông: 42.900 đồng/kg, Kon Tum: 42.900 đồng/kg, giá cà phê giao tại cảng TP HCM: 46.900 đồng/kg.

Phiên giao dịch sáng ngày 21/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp củng cố. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 vẫn đứng ở 1.998 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tương tự, vẫn đứng ở 1.994 USD/tấn, các mức không thay đổi. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có phiên thứ tư tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 1,65 cent, lên 218,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 1,75 cent, lên 223,95 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Thị trường nông sản 22/7: Giá tiêu, cà phê ổn định, cao su giảm - Ảnh 1.

Cà phê dự kiến sẽ giao dịch ở mức 210,10 USd / Lbs vào cuối quý này, theo các mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics và kỳ vọng của các nhà phân tích.

Dữ liệu tồn kho cà phê chuẩn sàn ICE liên tục lập đáy mới xuống còn 727 nghìn bao, mức thấp nhất trong 22 năm qua. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung arabica và hỗ trợ giá tăng phục hồi.

Theo phân tích kỹ thuật, giá arabica đang tìm cách kiểm chứng lại đường MA200 ở vùng giá 218-222, nếu vượt thành công là 1 tín hiệu sáng cho giá arabica. Với biên độ dao động trong phiên rất mạnh và giá liên tục đảo chiều vì bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sức mạnh đồng USD. Nhà đầu tư cần quan sát thêm về diễn biến chính sách lãi suất của Fed vào tuần sau và chờ giá về những vùng kháng cự, hỗ trợ tốt trước khi ra chiến lược mua bán mới.

Ngày 21/7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này tăng lãi suất kể từ năm 2011 và tăng mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đối mặt với lạm phát phi mã và cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề.

Theo quyết định trên, lãi suất tiền gửi của ECB đã thoát khỏi khu vực âm lần đầu tiên trong 8 năm, lên mức 0%. Lãi suất đối với các giao dịch tái cấp vốn tăng lên 0,50% và lãi suất cho vay là 0,75%.

ECB cho biết các đợt tăng lãi suất trong tương lai "sẽ hợp lý", trong khi quy mô của các đợt tăng sẽ "tùy vào dữ liệu" kinh tế thời điểm đó. Dự kiến, đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể được đưa ra sớm nhất trong cuộc họp ngày 8/9 tới. Nếu như vậy, lãi suất cơ bản của khu vực Eurozone sẽ chuyển sang trạng thái dương trong năm nay. Lãi suất âm đã được ECB duy trì suốt từ năm 2014.

Giá tiêu dao động 66.500 - 70.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai: 67.000 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 68.000 đồng/kg; Bình Phước: 68.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.000 đồng/kg.

Thị trường nông sản 22/7: Giá tiêu, cà phê ổn định, cao su giảm - Ảnh 2.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 33,35 rupee/tạ, ở mức 42.000 rupee/tạ. Giá tiêu Ấn Độ liên tục đi ngang trong nhiều ngày qua. Sau một thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19, quốc gia này đã mở cửa trở lại từ tháng 6/2021, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá bị đe đọa do sản lượng hạt tiêu của Xri Lan-ca trong năm 2021 được dự báo tăng 25%, do đó khả năng sẽ tràn mạnh vào thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, lượng hạt tiêu tại thị trường nội địa Ấn Độ cũng đã dư thừa do lệnh giãn cách xã hội kéo dài.

Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, hiện tại, nguồn cung hồ tiêu giảm do diện tích sản xuất hồ tiêu toàn cầu giảm. Điều này đã đẩy giá hồ tiêu tăng cao. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã gây bất lợi cho cây hồ tiêu phát triển, bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn ra ra trên cây tiêu, chăm sóc hồ tiêu ngày càng khó khăn hơn đã khiến cho năng suất hồ tiêu giảm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất hồ tiêu cả nước tính đến cuối năm 2020 đạt 130.000 ha, giảm 22.000 ha so với năm 2018 (là thời kỳ giá hồ tiêu đạt mức cao nhất từ trước cho đến nay); trong đó, diện tích cho thu hoạch là 110.000 ha.

Đến nay, sau thời gian giảm giá để điều chỉnh nguồn cung toàn cầu, giá hồ tiêu khôi phục, mang lại niềm vui cho người dân trồng tiêu. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng tiêu vẫn còn rất thận trọng, không vì giá tiêu tăng mà vội vàng tăng diện tích, chuyển sang trồng tiêu ồ ạt như trước đây. Theo dự báo năm nay mùa mưa sẽ kéo dài, do vậy ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo bà con tăng cường phòng các bệnh nấm thối rễ, chết nhanh ở cây hồ tiêu.

Giá cao su giảm

Giá cao su hôm nay giảm mạnh, giá kỳ hạn tiếp tục biến động không đồng nhất trong phiên sáng nay.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay, kỳ hạn tháng 11/2022, giảm mạnh xuống mức 240,1 JPY/kg, giảm 1,1 yên, tương đương 0,46%.

Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh xuống mức 65 CNY, ghi nhận 11.810 CNY/tấn, tương đương 0,55%.

Giá cao su tại Nhật Bản biến động mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế, song giá cao su tại Thượng Hải hồi phục nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy doanh số bán xe hơi đã hạn chế đà suy giảm.

Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Philippines là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ ba cho Hàn Quốc với 17,72 nghìn tấn, trị giá 33,83 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore tăng 0,3% lên 157,7 US cent/kg.

Thị trường nông sản 22/7: Giá tiêu, cà phê ổn định, cao su giảm - Ảnh 3.

Cao su dự kiến sẽ giao dịch ở mức 266,17 US Cents / kg vào cuối quý này, theo các mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics và kỳ vọng của các nhà phân tích.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6 đạt khoảng 180.000 tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng hơn 8% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5 và giảm hơn 2% so với tháng 6/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779.000 tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR3L, SVR10, SVRCV60, RSS3…

Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 351.820 tấn, trị giá 609,2 triệu USD, tăng gần 6% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 350.750 tấn, trị giá 606,66 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu cũng đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS 4005), SVR 20, Latex, SVR 10, RSS3, SVR 3L...

HÀ MY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement