01/09/2020 07:02
Thị trường đồ cúng Rằm tháng 7 đìu hiu
Khác với những năm trước, lượng tiêu thụ mặt hàng vàng mã trong tháng 7 âm lịch tại TP.HCM sụt giảm.
14/7 (AL), là dịp mà người dân bắt đầu cúng rằm hay còn gọi là cúng cô hồn để có được phúc lộc làm ăn phát đạt.
Theo đó, mọi năm vàng mã là một trong những mặt hàng không thể thiếu và bán chạy nhất trong tháng 7, nhưng năm nay lượng tiêu thụ mặt hàng này đã giảm mạnh tại TP.HCM.
Ông Hùng Ký, tiểu thương kinh doanh ngành hàng nhang đèn, vàng mã cho biết: “Mọi năm cứ tháng 7 âm lịch là tôi bán rất chạy, càng sát ngày rằm số lượng người mua càng nhiều. Thế nhưng năm nay ế lắm, dịch bệnh nên họ ít đi chợ, ít mua sắm để cúng kính lớn, các đơn đặt hàng cũng giảm mạnh so với các năm trước. Nói chung người dân khu vực quanh đây mua vàng mã chủ yếu giấy tờ, tiền, vàng bạc cho người âm chứ ít người đặt mua các đồ đắt tiền như xe hơi, điện thoại".
|
Những lễ vật được người dân chuẩn bị bao gồm nhang, quần áo, giấy tiền, trái cây, bánh kẹo, nến và muối. |
So với năm trước, giá hiện tại được người bán chia sẻ là vẫn giữ ở mức ổn định. Cụ thể, vàng mã có giá 20.000 đồng/bộ, trong đó đã bao gồm tiền, vàng mã, giấy cúng. Hương thẻ có giá 10.000-50.000 đồng/bó, nến ly từ 5.000 - 35.000 đồng/ly tùy loại và kích cỡ, áo và quần giấy từ 20.000-25.000 đồng/bộ.
Bên cạnh đó, tại tất cả các chợ lẻ ở TP.HCM như Gò Vấp, Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (Bình Thạnh),... nhiều mặt hàng như trái cây được điều chỉnh tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg. Phổ biến nhất là táo Mỹ lên 40.000-45.000 đồng/kg, chôm chôm lên 20.000 đồng-25.000 đồng/kg, thanh long lên 15.000-20.000 đồng/kg, bưởi da xanh lên 50.000-65.000 đồng/kg, chuối xiêm ên 20.000-23.000 đồng/kg.
Các quầy hàng vàng mã, bánh cúng, hoa quả càng đông khách nhân ngày Rằm tháng 7 âm lịch. |
Ngoài ra, trong mâm cúng của người dân gian còn có đậu phộng, mía, khoai lang luộc, bắp luộc. Đậu phộng luộc có giá 15.000 đồng/lon, khoai lang giá 30.000 đồng/kg, bắp luộc 5.000 đồng/trái, mía chặt khúc giá 20.000 đồng/kg.
Đốt vàng mã là một tập tục của dân châu Á, trong đó có người Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã, tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây thực chất là hủ tục, chính các chức sắc có uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng, nhà Phật không có giáo huấn Phật tử về đốt vàng mã như sự thể hiện niềm tin tôn giáo. Chưa kể, việc đốt quá nhiều giấy vàng mã còn tạo lượng lớn khí thải, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều vụ việc cháy nổ thương tâm, gây thiệt hại lớn cũng bắt nguồn từ việc đốt giấy tiền vàng bạc cho “người âm”.
Advertisement
Advertisement