23/07/2022 08:19
Thị trường cà phê, hồ tiêu khởi sắc
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá cà phê và hồ tiêu đột ngột tăng mạnh, trong khi giá cao su giảm.
Giá cà phê đồng loạt tăng
Giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng trung bình 800 - 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Tại Lâm Đồng giá mặt hàng này đang giao dịch ở mức 36.500 đồng/kg, Đắk Lắk: 37.400 đồng/kg, Đắk Nông: 37.300 đồng/kg, Gia Lai: 37.300 đồng/kg, Kon Tum: 37.300 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 110 USD/tấn ở mức 1.889 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 108 USD/tấn ở mức 1.895 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 17,65 cent/lb ở mức 193,65 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 17,70 cent/lb ở mức 196,6 cent/lb.
Đầu tháng 7, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay, do lo ngại rủi ro tăng cao khi Ngân hàng Trung ương các nước đồng loạt nâng cao lãi suất cơ bản tiền tệ để ngăn chặn lạm phát.
Theo phân tích kỹ thuật, giá cà phê robusta vẫn đang giằng co tích lũy chưa bứt phá được vùng 1995-200. Thị trường cho thấy các tín hiệu trung tín, xu hướng giá chưa xác lập rõ nét, bởi vậy, cần theo dõi thêm thông tin lãi suất USD và sức mạnh của đồng USD và chờ các tín hiệu kỹ thuật rõ nét để có chiến lược mua bán phù hợp.
Trong khi đó, đà giảm giá cà phê arabica phần nào được kiềm hãm bởi dữ liệu tồn kho cà phê chuẩn sàn ICE liên tục lập đáy mới xuống còn 718.6 nghìn bao, mức thấp nhất trong 23 năm qua.
Theo phân tích kỹ thuật, giá arabica đang giằng co tích lũy trong biên độ 210 – 220, tìm cách kiểm chứng lại đường MA200 ở vùng giá 218-222, nếu vượt thành công là 1 tín hiệu sáng cho giá arabica. Các chỉ số kỹ thuật đều cho tín hiệu trung tính, xu hướng giá chưa rõ nét.
Tuy nhiên với việc thiếu vắng dòng tiền đầu cơ vì không có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, giá arabica vẫn trong xu hướng giảm trong ngắn hạn với vùng kháng cự gần là 210-212 và xa hơn là vùng 203-205.
Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm, giá cà phê nội địa vẫn có diễn biến tích cực hơn so với thị trường thế giới khi tăng khoảng 7%. Hiện tượng giá cà phê nội địa đi ngược so với xu hướng thế giới thể hiện rõ hơn trong tháng 6. Trong khi giá cà phê thế giới giảm khoảng 2 - 3% thì giá cà phê nội địa tăng mạnh 900 - 1.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh kèm theo đồng USD tăng giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi.
Theo các nhà phân tích thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, giá cà phê nội địa thời gian qua không theo giá sàn phái sinh, giao dịch có khi trên 44 triệu đồng/tấn. Muốn bán giá cao hơn, người kinh doanh cần phải theo dõi tỷ giá USD với VND. VND càng rẻ so với USD, giá cà phê nội địa càng tăng. Hiện tượng tăng này cũng không phải vì do nhu cầu tiêu thụ mà do yếu tố tiền tệ..
Trung Quốc nhập gần 3.000 tấn tiêu của Việt Nam trong tháng 6
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng 500-1.000 đồng/kg và đang giao dịch trong khoảng từ 67.500 - 71.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Đồng Nai, Gia Lai, hai địa phương có giá thấp nhất thị trường khi giao dịch ở mức 67.500 đồng/kg.
Tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk: 68.500 đồng/kg; Bình Phước: 69.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu: 71.000 đồng/kg.
Giá tiêu tăng 1.000 đồng/kg ở các tỉnh Đông Nam Bộ, tăng 500 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên so với cùng thời điểm hôm qua. Nguyên nhân một phần được cho giá USD hạ nhiệt, xăng dầu giảm đã khiến các thị trường hàng hóa bớt gánh nặng, khởi sắc hơn.
Nguyên nhân quan trọng khác là đã có nhiều động thái tích cực khi phía Trung Quốc - thị trường hơn tỷ dân mua hàng nhiều hơn. Dù xuất khẩu nửa đầu tháng 7/2022 kém khả quan, hầu hết thị trường Mỹ và châu Âu cầm chừng nhưng những tín hiệu tích cực ở biên giới phía Bắc đã giúp thị trường nội địa tăng nhẹ trong tuần này.
Theo phản ánh của các thành viên Diễn đàn những người làm hồ tiêu Việt Nam, từ đầu tuần thương lái đã tích cực thu mua. Một số nơi giá thu mua cao hơn giá tham khảo trên mạng.
Trung Quốc tháng 6/2022 nhập 2.999 tấn, hồ tiêu từ Việt Nam, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.619 tấn. Tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này 6 tháng đầu năm đạt 5.609 tấn, tuy nhiên lượng nhập khẩu này giảm 80,2% so với cùng kỳ. Kỳ vọng lượng nhập khẩu từ nay đến cuối năm của quốc gia này sẽ là động lực giúp giá tiêu tăng trở lại.
Năm 2022 được đánh giá nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của EU tăng, và lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hồ tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này. Hiện nay, Mỹ và EU đang là hai thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của nước ta, và đây cũng là ngành hàng hiếm hoi trong số các mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng tuyệt đối tại Mỹ và EU.
Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, từ nhiều năm nay các địa phương đã thay đổi phương thức canh tác hồ tiêu, hướng đến sự ổn định, đầu ra bền vững.
Giá cao su xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3
Giá cao su giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 do lo ngại nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc – nước tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 giao dịch ở mức 244,8 JPY/kg, giảm 0,3 JPY, tương đương 0,12%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Thượng Hải giao dịch mức 11.610 CNY/tấn, giảm 170 CNY/tấn, tương đương 1,44%.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 do lo ngại nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc – nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - khi nước này đang phong tỏa nhiều khu vực để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giảm 0,7% xuống 157,0 US cent/kg.
Giá cao su tự nhiên kéo dài đà giảm tại các thị trường chủ chốt của bang Kerala (Ấn Độ).
Nguyên nhân là do nhu cầu yếu từ những người mua số lượng lớn. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết, nguồn cung khan hiếm đã hạn chế mức giảm trong ngày.
Thị trường hiện tồn tại những lo ngại về nguồn cung do mưa ở các vùng sản xuất trọng điểm đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.
Trên thị trường toàn cầu, trong cùng ngày, giá cao su tự nhiên đóng cửa cao hơn trên Sàn giao dịch Osaka của Nhật Bản do các nhà đầu tư mua vào giá trị sau đợt giảm giá gần đây.
Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn vẫn yếu do lo ngại về nhu cầu từ những người mua lớn trên toàn cầu. Các chuyên gia trong ngành cho biết, sản lượng toàn cầu tăng trong bối cảnh nhu cầu về mủ cao su tự nhiên từ các nước nhập khẩu chính đang giảm dần cũng ảnh hưởng đến tâm lý.
Những người tham gia thị trường cho biết, có những lo ngại về nhu cầu do sự gia tăng các trường hợp Covid-19 ở Trung Quốc và nguy cơ ngày càng tăng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Philippines là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Trung Quốc và Mỹ giảm, trong khi thị phần của Cộng hòa Séc, Singapore, Nhật Bản và Nga lại tăng.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp