18/12/2020 09:57
Tân Tổng thống Biden nỗ lực 'thu phục' Thượng viện Mỹ
Ông Biden cần Thượng viện hợp tác để thúc đẩy chính sách của mình, nhưng mục tiêu này vô cùng khó khăn, khiến ông phải chật vật vận động ở hậu trường.
Trong nỗ lực "thu phục" Thượng viện Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là tập trung vào hai nhiệm vụ đều nhọc nhằn, bao gồm giúp đảng Dân chủ thắng hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia để giành quyền kiểm soát Thượng viện, đồng thời xây dựng liên minh với những thượng nghị sĩ Cộng hòa chủ chốt.
Hai mục tiêu này được thể hiện rõ ràng khi ông Biden tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên với tư cách Tổng thống đắc cử với Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện, ngay sau đó lên chuyến bay đến thành phố Atlanta, bang Georgia, để vận động cho hai ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Ossoff và Raphael Warnock.
Chương trình nghị sự của ông Biden, từ những đề cử trong nội các đến các dự luật ngân sách, đều sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc liệu ông có nắm được Thượng viện hay không. Với 36 năm kinh nghiệm làm việc trong cơ quan này, ông Biden dường như tin rằng ông có thể thành công hơn ở nơi mà cựu tổng thống Barack Obama từng thất bại.
"Sẽ có rất nhiều điều giúp tạo nên khác biệt lớn lao, nếu các bên có thể hợp tác tại Thượng viện và đạt tiến bộ", Anita Dunn, cố vấn cho nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden, nhận định. "Ông ấy tin rằng mình có khả năng làm việc với cả hai bên, để cùng nhau giải quyết những vấn đề mà các thỏa thuận chung và sự tiến bộ sẽ đem lại lợi ích cho người dân".
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận động cho các ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ tại thành phố Atlanta, bang Georgia, hôm 15/12. Ảnh: AFP. |
Trong một cuộc gặp hôm 14/12, ông Biden cũng nhấn mạnh với những người ủng hộ rằng ông có thể hợp tác với phe Cộng hòa, bất chấp việc một số thượng nghị sĩ đảng này vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông. Tuy nhiên, ông Biden thừa nhận nhiệm vụ này đòi hỏi nỗ lực đáng kể cũng như nhiều thời gian.
Theo ông Biden, có thể mất "6 đến 8 tháng" để thiết lập quan hệ làm việc mới với đảng Cộng hòa, nhưng nói thêm rằng ông đã nhận được tín hiệu tích cực từ 7 thượng nghị sĩ "hầu hết là cấp cao". "Mọi người sẽ ngạc nhiên. Rất nhiều người muốn làm việc cùng chúng tôi", ông nói.
Scott Jennings, trợ lý lâu năm của McConnell, cho rằng cả ông Biden và lãnh đạo phe đa số Thượng viện đều tin vào cơ chế của cơ quan lập pháp này, thứ mà nhiều đảng viên Dân chủ chế giễu. Jennings tỏ ra lạc quan khi dự đoán ông Biden và McConnell sẽ tìm thấy những điểm chung để hợp tác. "Không ai có được mọi thứ mà họ mong muốn", ông nói thêm.
Jennings còn dành một số lời khen cho ông Biden, đánh giá Tổng thống đắc cử có thể thành công hơn ở Thượng viện so với Obama, người chỉ làm thượng nghị sĩ 4 năm trước khi đắc cử tổng thống. Bên cạnh đó, nhiều đảng viên Cộng hòa cho rằng Obama có thái độ xa cách và khinh thường. "Khác biệt quan trọng là ông Biden có khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề lập pháp", Jennings chỉ ra.
Mặc dù vậy, bối cảnh chính trị mà ông Biden phải đối mặt dường như "khó nhằn" hơn rõ rệt so với Obama, người bước vào Nhà Trắng với thế đa số cách biệt lớn của phe Dân chủ ở cả Thượng viện và Hạ viện, cùng một đối thủ nhượng bộ nhanh chóng và hòa nhã. Còn trong trường hợp của ông Biden, mới chỉ có 12/52 thượng nghị sĩ Cộng hòa công nhận ông đắc cử, dù kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đã xác nhận điều này.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh đa số tại Thượng viện Mỹ. Ảnh: AFP |
Sau khi trao đổi qua điện thoại với McConnell hôm 15/12, ông Biden bày tỏ hy vọng sớm được gặp trực tiếp lãnh đạo phe đa số Thượng viện, đồng thời cho biết hai bên đã nhất trí về điều này. "Tôi đang mong đợi được làm việc cùng ông ấy", Tổng thống đắc cử nói.
Tuy nhiên, tương lai nhiệm kỳ của ông Biden còn phụ thuộc vào kết quả cuộc đua vào Thượng viện tại Georgia. Trong hai thập kỷ qua, phe Dân chủ không giành được ghế thượng nghị sĩ nào ở nơi từng được coi là "thành trì của phe Cộng hòa" này. Ông Biden cũng là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đầu tiên giành được phiếu đại cử tri của Georgia kể từ năm 1992.
Do các ứng viên ở Georgia đều không đạt tối thiểu 50% số phiếu trong ngày bầu cử, cuộc bỏ phiếu vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 5/1/2021. Tới nay đảng Dân chủ đã giành 48 ghế và phe Cộng hòa giành được 50 ghế thượng nghị sĩ, trong khi phe kiểm soát Thượng viện cần tối thiểu 51 ghế.
Trong trường hợp Ossoff và Warnock chiến thắng ở Georgia, phe Dân chủ vẫn chỉ có thể "cầm hòa" tại Thượng viện và dự kiến giành quyền kiểm soát nhờ Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, người khi đó là Chủ tịch Thượng viện và có quyền bỏ lá phiếu quyết định để phá vỡ thế bế tắc. Trong khi đó, đảng Cộng hòa chỉ cần thắng thêm một ghế thượng nghị sĩ ở Georgia để giành thế đa số. Ngoài ra, hầu hết vấn đề quan trọng cần tối thiểu 60 phiếu tại Thượng viện mới được thông qua.
Khi tiến hành nhiệm vụ thuyết phục phe Cộng hòa hợp tác, ông Biden tỏ ra khá ôn hòa. Tuy nhiên, ông dường như rơi vào tình huống trớ trêu khi buộc phải thể hiện tính đảng phái nhiều hơn để vận động cho Ossoff và Warnock, trong cuộc đối đầu giữa họ với hai đối thủ Cộng hòa David Perdue và Kelly Loeffler.
Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, bà Jennifer O’Malley Dillon, người dự kiến trở thành phó chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai. Ảnh: AP |
"Tôi cần hai thượng nghị sĩ sẵn lòng góp sức để hoàn thành công việc, không phải những người sẽ chỉ cản đường. Chúng tôi có thể làm được rất nhiều điều. Chúng tôi cần các thượng nghị sĩ sẵn sàng hợp tác, vì Chúa", ông nói tại Atlanta hôm 15/12.
Một số nhân viên của ông Biden cũng có giọng điệu mang tính đảng phái, như giám đốc chiến dịch tranh cử Jennifer O’Malley Dillon, người dự kiến trở thành phó chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/12, Dillon phàn nàn về phe Cộng hòa và nói rằng "Mitch McConnell thật tồi tệ".
Theo một quan chức trong chiến dịch của ông Biden, cùng với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, họ đã chi khoảng 5 triệu USD cho "trận đá bù giờ" ở Georgia và đang trả lương cho khoảng 50 nhân viên tiếp tục làm việc tại bang này. Ông Biden cũng trực tiếp gây quỹ cho Ossoff và Warnock.
Để giành chiến thắng "sống còn" tại Georgia, ông Biden còn lưu ý phe Dân chủ về những điều họ nên tránh đề cập trước cuộc bỏ phiếu ngày 5/1, như vấn đề cải cách tư pháp hình sự. "Tôi nghĩ chúng ta không nên đi quá xa trong việc cải tổ cảnh sát, bởi họ vốn đã gán cho chúng ta ý định giải tán cảnh sát. Đó là cách họ tấn công chúng ta", ông Biden nói trong cuộc gọi video với các lãnh đạo của 7 tổ chức dân quyền gần đây.
Ông Biden giành chiến thắng tại Georgia với cách biệt sít sao chỉ khoảng 12.000 phiếu bầu. "Ông ấy là người phù hợp bởi tính ôn hòa. Mọi người cho rằng ông ấy mang tính lưỡng đảng, không phải một người cực tả", nhà thăm dò dư luận John Anzalone giải thích.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement