12/07/2023 10:11
Sun Life 'đổ' gần 1.400 tỷ đồng vào trái phiếu
Sun Life Việt Nam đã có 9 năm thua lỗ liên tiếp nhưng vẫn mang gần 1.400 tỷ đồng đi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022.
Chia doanh thu phí bảo hiểm vào 5 quỹ đầu tư
Theo Bộ Tài chính, cuối năm 2022 Sun Life Việt Nam có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp dài hạn lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp này đạt 1.656 tỷ đồng.
Doanh thu phí bảo hiểm của Sun Life được chia vào 5 quỹ đầu tư gồm: Quỹ Tăng trưởng, Quỹ Tối ưu; Quỹ Đẳng cấp; Quỹ Cân bằng và Quỹ Bền vững. Trong đó, có 2 quỹ không có trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư gồm Quỹ Tối ưu và Quỹ Đẳng cấp.
Trong danh mục tài sản đầu tư của 3 quỹ liên kết đơn vị còn lại, trái phiếu doanh nghiệp được Sunlife xếp vào công cụ đầu tư có thu nhập ổn định niêm yết hoặc chưa niêm yết, gồm: Trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi tại tổ chức tín dụng.
Tại báo cáo tình hình hoạt động quỹ liên kết đơn vị năm 2022, Sun Life cho biết số tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Quỹ Cân bằng 13,4 tỷ đồng, Quỹ Bền vững ở mức 55,1 tỷ đồng. Thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 của Quỹ Cân bằng đạt 1,9 tỷ đồng, Quỹ Bền vững 6,1 tỷ đồng, theo TPO.
Năm 2022, Quỹ Cân bằng của Sun Life tập trung trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành, dòng tiền ổn định, lợi tức tốt và mức độ rủi ro vừa phải. Trong đó, khoản đầu tư trái phiếu Casper chiếm 14,2% và trái phiếu Taseco 13,1%.
Với Quỹ Bền vững, năm 2022, Sun Life đầu tư tới 69,2% vào trái phiếu doanh nghiệp. Các loại trái phiếu Sun Life lựa chọn đầu tư trong quỹ này gồm: trái phiếu Taseco, trái phiếu Trung Sơn Power, trái phiếu TNPower, trái phiếu Casper và trái phiếu Phát Đạt.
Theo công bố của Sun Life, tỷ suất đầu tư thực tế của quỹ liên kết đơn vị có trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm (2020 - 2022) biến động mạnh. Cụ thể, tỷ suất đầu tư thực tế của Quỹ Cân bằng năm 2020 đạt 16,9%, tăng lên 27,2% vào năm 2021 tuy nhiên lại âm tới 19,3% năm 2022. Với Quỹ Bền vững, tỷ suất đầu tư năm 2020 ở mức 3,7% và tăng lên 7,7% trong năm 2022.
Lỗ gần 4.600 tỷ đồng trong 9 năm liên tiếp
Trong 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Sun Life chỉ báo lãi gần 37 tỷ đồng vào năm 2013. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ, thậm chí là doanh thu càng tăng thì lỗ càng nhiều.
Năm 2020, doanh thu của Sun Life Việt Nam đạt 1.307 tỷ đồng, khi công ty này bắt đầu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank.
Đến năm 2021, thỏa thuận bancassurance độc quyền giữa Sun Life Việt Nam và ACB được triển khai giúp doanh thu của công ty bảo hiểm này tăng 2,3 lần so với năm 2020 lên mức 3.015 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, Sun Life lần lượt báo lỗ sau thuế 645 tỷ đồng và 1.445 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu thuần của Sun Life Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 72% so với năm trước lên 5.173 tỷ đồng nhưng lại tiếp tục báo lỗ sau thuế 1.469 tỷ đồng.
Trong năm 2022, chi phí bán hàng của Sun Life Việt Nam đã tăng 816 tỷ đồng so với năm trước, lên mức 3.453 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho thấy, chi phí bán hàng của Sun Life tăng mạnh do doanh nghiệp chi hơn 2.900 tỷ đồng khen thưởng hỗ trợ đại lý, tăng 720 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong năm qua, Sun Life Việt Nam đã chi gần 4.100 tỷ đồng cho hoa hồng bảo hiểm và khen thưởng hỗ trợ đại lý. Trong khi đó, năm 2021, tổng chi cho 2 khoản này cũng chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Sun Life Việt Nam có 1 trụ sở công ty con, 2 chi nhánh, 39 địa điểm kinh doanh và 40 văn phòng tổng đại lý.
Như vậy, việc mạnh tay chi khen thưởng cho đại lý, tăng lương và chi phí cho nhân viên đã đẩy chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt "phình to" khiến Sun Life Việt Nam báo lỗ sau thuế hơn 1.469 tỷ đồng, bất chấp doanh thu và lãi gộp tăng mạnh, theo Dân trí.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy Sun Life dành hơn 2.700 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng và gần 3.214 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận khoản đầu tư vào trái phiếu đã tăng đáng kể so với đầu năm. Giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dài hạn lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp 1.656 tỷ đồng.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement