28/02/2024 10:00
Starbucks tiếp tục thua cuộc trước Luckin trong cuộc chiến chuỗi cà phê ở Trung Quốc
Luckin Coffee - chuỗi đồ uống Trung Quốc vừa báo cáo doanh số tiếp tục tăng mạnh, vượt trên cả đối thủ Starbucks tại thị trường quan trọng là Trung Quốc.
Năm 2023, Luckin tạo ra tổng doanh thu ròng là 24,9 tỷ CNY (3,5 tỷ USD), tăng 87% so với một năm trước đó.
Hiện Luckin không chia nhỏ doanh thu theo các khu vực địa lý, nhưng phần lớn doanh thu của hãng đến từ Trung Quốc. Trên phạm vi quốc tế, Luckin chỉ có 30 cửa hàng tại Singapore, cửa hàng đầu tiên ra mắt vào tháng 3 năm ngoái.
Trong khi đó, Starbucks đã báo cáo tổng doanh thu là 3,05 tỷ USD tại Trung Quốc cho năm tài chính 2023 kết thúc vào ngày 1/10. Chuỗi cà phê Mỹ chưa báo cáo số liệu cả năm về doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Luckin cho biết lợi nhuận ròng chưa kiểm toán của họ trong năm 2023 đạt 2,85 tỷ CNY (396 triệu USD), so với 488 triệu CNY (68 triệu USD) vào năm 2022.
Luckin, vốn tự gọi mình là chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ đã vượt qua Starbucks ở Trung Quốc đại lục về số lượng cửa hàng vào năm 2019.
Doanh số bán hàng của Luckin tăng vọt trong năm ngoái một phần là do sự mở rộng nhanh chóng của công ty. Đến cuối năm 2023, Luckin có 16.218 cửa hàng ở Trung Quốc, gần gấp đôi con số hơn 8.200 cửa hàng vào năm 2022.
Ngược lại, Starbucks có 6.975 cửa hàng ở Trung Quốc tính đến cuối tháng 1, theo kết quả quý mới nhất của công ty được công bố đầu năm nay. Con số đó đã tăng 14,5% so với một năm trước đó.
Một số cửa hàng của Luckin tự vận hành, trong khi những cửa hàng khác do đối tác điều hành. Các cửa hàng của Starbucks ở Trung Quốc hoàn toàn thuộc sở hữu của công ty.
Trên toàn cầu, Starbucks vẫn là chuỗi cà phê lớn nhất với 38.586 cửa hàng trên toàn thế giới. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất của công ty.
Trung Quốc có truyền thống uống trà, tiêu thụ ít cà phê so với nhiều quốc gia khác, nhưng nhu cầu về thức uống này đang tăng mạnh, bất chấp phải vật lộn với nhiều vấn đề kinh tế trong những năm gần đây. Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế năm ngoái cho thấy tiêu thụ cà phê trong nước tăng 15% trong năm kết thúc vào tháng 9.
Phần lớn nhu cầu này được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ. Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Daxue Consulting, một công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc, có tới 36% người tiêu dùng cà phê trong nước ở độ tuổi từ 25 đến 34 và 30% ở độ tuổi từ 35 đến 44.
Theo báo cáo tháng 12 của World Coffee Portal, số lượng cửa hàng cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc đã tăng 58% trong 12 tháng qua, đạt 49.691 cửa hàng. Điều đó đã giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành thị trường quán cà phê có thương hiệu lớn nhất thế giới.
Dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng Luckin thừa nhận sự cạnh tranh khốc liệt.
Jinyi Guo, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Luckin Coffee, cho biết trong một tuyên bố kèm theo kết quả của công ty: "Chúng tôi vẫn tập trung vào chiến lược định giá và mở rộng để duy trì tốc độ tăng trưởng và thị phần của mình".
Luckin được thành lập vào năm 2017 và được hỗ trợ bởi công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc Centurium Capital. Họ tập trung vào việc phục vụ giới trẻ, chủ yếu là các gian hàng mang đi và thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm thức uống gây ấn tượng mạnh với vị giác của người Trung Quốc. Đồ uống của họ rẻ hơn khoảng 30% so với đồ uống của Starbucks.
"Đặc biệt khi họ phát hành phiếu giảm giá, giá của một ly Luckin có thể chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với Starbucks", nhiều khách hàng Trung Quốc cho biết.
Các cửa hàng cơ bản của Luckin thường chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản nhất, điều này cho phép công ty mở rộng nhanh chóng với chi phí thấp hơn. Họ cũng yêu cầu người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để đặt hàng, cho phép họ thu thập dữ liệu khách hàng rộng rãi.
Bê bối của Luckin xảy ra vào năm 2020, khi thương hiệu thừa nhận rằng họ đã bịa đặt khoảng 310 triệu USD trong doanh thu của năm trước đó. Cổ phiếu của hãng bị hủy niêm yết trên sàn Nasdaq. Từ một công ty đạt 3 tỷ USD vốn hóa khi mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019, Luckin nhanh chóng bị nhà đầu tư quay lưng.
Sau khi chấp nhận nộp phạt 180 triệu USD cho Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), Luckin chi nhánh Mỹ đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 2/2021. Phải mãi cho đến tháng 4/2022, công ty này mới tuyên bố tái cấu trúc thành công và thoát khỏi số phận phá sản.
Sau đó, công ty cam kết sẽ xây dựng lại hoạt động kinh doanh của mình. Centurium Capital, nhà đầu tư ban đầu vào chuỗi cà phê, đã trở thành cổ đông kiểm soát của họ.
Mặc dù bị vượt qua cả về số lượng cửa hàng và doanh số bán hàng hiện nay, Starbucks vẫn dẫn trước Luckin về mặt lợi nhuận. Lợi nhuận của công ty Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do sự mở rộng nhanh chóng của nó.
Mặc dù bị vượt cả về số lượng cửa hàng và doanh số bán hàng hiện nay, Starbucks vẫn dẫn trước Luckin về mặt lợi nhuận. Lợi nhuận của công ty Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do sự mở rộng nhanh chóng.
Để đối phó với sự cạnh tranh, Starbucks đã công bố hợp tác với Alibaba và Meituan lần lượt vào năm 2018 và 2022, mở rộng phạm vi tiếp cận trực tuyến tới người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong khi Luckin tạo được tiếng vang vào năm ngoái nhờ sự hợp tác với thương hiệu rượu Trung Quốc Kweichow Moutai thì Starbucks cũng đang thu hút sự chú ý với những đồ uống mới đầy sáng tạo của mình.
Gã khổng lồ Mỹ đã tung ra loại cà phê có hương vị thịt lợn vào đầu tháng này, nhằm đáp ứng thị hiếu và truyền thống địa phương. Có giá 9,45 USD, đồ uống này kết hợp nước sốt hương vị thịt lợn kho pha với cà phê espresso và sữa hấp, thêm thịt ức lợn để trang trí.
(Nguồn: CNN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp