13/11/2021 08:33
Số ca nhiễm COVID-19 tăng, TP.HCM chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số ca nhiễm tăng là kết quả tất yếu của việc mở cửa và Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị các kịch bản, kể cả cho tình huống xấu nhất.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề: Phòng, chống dịch COVID-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc số ca mắc COIVID-19 tại TP.HCM đang có xu hướng tăng trở lại, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, hiện Sở đang theo dõi chặt chẽ số ca mắc mới ở các địa bàn, đồng thời phân tích các ca nhập viện, ca tử vong để phát hiện diễn biến bất thường.
Theo phân tích của Sở Y tế TP.HCM, trong 2 tuần vừa qua, tình hình số ca mắc mới có xu hướng tăng dần. Trong tuần vừa qua có 5 quận, huyện có số ca cao nhất là Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12.
Sở Y tế đang liên tục theo dõi hàng ngày số ca mắc mới trên tất cả các địa bàn TP.HCM để kịp thời cử các đội đặc nhiệm của HCDC xuống hỗ trợ cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện để phát hiện các ổ dịch, cách ly, bóc tách khỏi cộng đồng để tránh tình trạng lây lan nhiều hơn nữa.
Theo bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6, trong hôm nay số bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện dã chiến số 6 là 658 ca. Hiện nay số F0 chuyển từ các quận, huyện lên đang tăng dần. Có thời điểm tăng 100-150 ca.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, các ca nhiễm đang tăng trên toàn địa bàn TP.HCM chứ không tập trung nơi nào. Nhưng có 5 quận, huyện đang đứng đầu ca mắc mới là Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Tân và quận 12.
Các ca mắc tăng lên là một kết quả tất yếu khi mà TP mở cửa, bỏ giãn cách xã hội. Quan điểm hiện nay của ngành y tế là sẽ thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19. "Nghĩa là chúng ta sẽ phải sống chung với virus chứ không sống chung với dịch. Nếu chúng ta để dịch quay trở lại, rồi bệnh nặng thì không được", bác sĩ Châu cho biết.
Theo các chuyên gia biến chủng của COVID-19, mặc dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine nhưng vẫn có tỉ lệ bị nhiễm. Nhưng nếu nhiễm thì triệu chứng rất ít, ngay cả khi có triệu chứng, biến chứng nặng cũng rất ít và có sự khác biệt rất rõ ràng giữa những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với những người chưa tiêm.
"Nói như vậy không có nghĩa là tiêm vaccine thì miễn nhiễm hoàn toàn, không bị bệnh nặng và không chết. Vẫn có một tỉ lệ nhỏ diễn tiến nặng và tử vong và đặc biệt là người có bệnh nền, cơ thể suy yếu thì dù có tiêm vaccine thì vẫn bị nhiễm và bị bệnh nặng.
Đa số ca tử vong là những người lớn tuổi, trên 65 tuổi, người có bệnh nền, trong đó có phân nửa số người chưa tiêm vaccine tại vì đang có bệnh nền. Cũng có một số trường hợp người lớn tuổi đã tiêm vaccine nhưng có thể do cơ địa dẫn tới đáp ứng miễn dịch với vaccine kém đi, dẫn đến vẫn có tử vong", ông Châu cho biết.
Theo Sở Y tế, hiện tại một số bệnh viện dã chiến mượn ký túc xá, trường học đã được hoàn trả. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn giữ lại một số bệnh viện dã chiến để dự phòng cho các tình huống xấu. Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 đã được biến đổi thành bệnh viện dã chiến 3 tầng để hoạt động thêm một thời gian nữa.
Ngoài ra, các quận huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã thành lập thêm các bệnh viện dã chiến, khu cách ly để thu dung F0.
Hiện tại, TP.HCM đã chuẩn bị các kịch bản, kể cả cho tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, mặc dù không ai mong muốn nhưng nếu ca nhiễm tăng vượt ngưỡng thu dung, điều trị của TP.HCM thì thành phố sẽ quay trở lại các biện pháp giãn cách như trước đây.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp