23/07/2021 15:03
Siêu thị gặp khó vì cứ 3 ngày mất gần 1 tỷ đồng tiền xét nghiệm
Chi phí xét nghiệm và cách ly cho nhân viên, nhà cung cấp tăng giá bán, thiếu hụt kho hàng... là những vấn đề khó khăn mà các hệ thống bán lẻ tại TP.HCM đang phải đối mặt.
Chiều 22/7, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương làm việc với các hệ thống phân phối tại TP.HCM là Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart, Aeon và Lotte Mart để nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa và các khó khăn, vướng mắc của hệ thống phân phối.
Đại diện các siêu thị cho biết đang gặp khó vì chi phí phát sinh trong tình hình dịch bệnh như chi phí xét nghiệm, chi phí cách lý nhân viên, chi phí vệ sinh, khử trùng…
Đơn cử, hệ thống Lottemart có khoảng 3.000 nhân viên. Cứ 3 ngày siêu thị này phải test nhanh một lần. Tổng kinh phí lên đến 900 triệu đồng.
Đồng thời, nhiều nhà cung cấp cung tăng giá bán cũng khiến các siêu thị gặp khó khăn. Các hệ thống cũng gặp vấn đề về kho dự trữ hàng. Trong trường hợp có lao động tại kho mắc Covid-19, kho dự trữ phải đóng cửa. Do đó, doanh nghiệp cần kho dự trữ thay thế.
Nhiều siêu thị đang thiếu lao động ở vị trí lái xe, kho hàng, đóng gói, sơ chế, bán hàng... do nhân viên mắc Covid-19. Ảnh: Phương Lâm. |
"Mặt khác một số nhà cung cấp mặt hàng rau quả, trứng gà chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của siêu thị", đại diện các siêu thị cho hay. Ngoài ra, nhiều siêu thị cho biết đang bị thiếu nhân công làm việc tại hệ thống (lái xe, nhân viên kho hàng, đóng gói, sơ chế, bán hàng...) do các lao động mắc Covid-19.
Tại buổi họp, tổ công tác ghi nhận những khó khăn của các siêu thị và cho biết Bộ Công Thương sẽ có kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16.
"Cụ thể là như thế nào để các địa phương, Bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó chuẩn bị đủ nguồn hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân”, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.
Đồng thời, tổ công tác cho biết Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phân phối tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực (thiếu nhân viên bán hàng, nhân viên logistic, lái xe), chi phí xét nghiệm cho nhân viên.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương có chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các quy định của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Ngoài ra, hai Bộ Công Thương và Giao thông Vận tải đã nhất trí lập đường dây nóng tổ công tác đặc biệt liên bộ để cùng phối hợp, xử lý các vướng mắc trong lưu thông, phân phối hàng hóa.
Trên cơ sở đề xuất của tổ công tác Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải nhất trí cho phép doanh nghiệp được tự mua bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 (được Bộ Y tế cho phép).
Bộ Giao thông Vận tải vận động doanh nghiệp vận tải hỗ trợ các địa phương và tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch, tham gia vào các mô hình bán hàng thiết yếu lưu động trong dịch.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp