Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, cục diện chiến tranh nghiêng về Ukraina?

Quân sự

15/11/2022 14:12

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hân hoan đi trên đường phố của Kherson mới được giải phóng, ca ngợi việc Nga rút quân là “khởi đầu của sự kết thúc chiến tranh”, nhưng cũng thừa nhận cái giá đắt mà quân đội Ukraina đang phải trả trong nỗ lực đẩy lùi quân Nga.
news

Một số nhà phân tích quân sự nhận định sau khi chiếm lại Kherson từ các lực lượng Nga và được đảm bảo về sự hỗ trợ không ngừng của Mỹ, Ukraina có vị trí thuận lợi để phát huy lợi thế của mình trong cuộc chiến thay vì chấp nhận các chiến tuyến bị đóng băng trong suốt mùa Đông. Chiến thắng mang tính chiến lược và biểu tượng diễn ra khi giao tranh ác liệt tiếp tục tiến xa hơn về phía Bắc dọc theo hơn 1.000 km tiền tuyến.

Ông Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân sự cấp cao của Anh, cho biết: "Ukraina có sáng kiến và động lực và sẽ tiếp tục tấn công quân đội Nga. Cuộc tấn công tiếp theo có thể bao gồm việc tái tập trung phản công gần Bakhmut hơn ở khu vực phía Đông Donbass, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và là nơi quân Nga cố gắng đột phá trong nhiều tháng qua". 

Tuy nhiên, theo cựu sĩ quan tình báo Anh: "Mùa đông sẽ làm mọi thứ chậm lại nhưng không thể ngăn chặn họ - các lực lượng Ukraina sẽ được chuẩn bị tốt nhất có thể để tiếp tục chiến đấu trong suốt mùa Đông, trong khi quân Nga sẽ khó sống sót qua mùa Đông vì công tác chuẩn bị yếu kém".

Hàng dặm đường hào bị bỏ hoang dọc theo con đường dẫn đến thành phố cảng phía Nam Kherson cho thấy điều kiện sống khốn khổ mà một số lực lượng Nga phải chịu đựng ở hữu ngạn Kherson trước khi rút lui. Ông Ingram nói thêm: "Bất cứ điều gì người Ukraina làm, nó sẽ được lên kế hoạch cẩn thận, giữ bí mật và có khả năng sẽ được thực hiện cực kỳ hiệu quả".

Sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, cục diện chiến tranh nghiêng về Ukraina? - Ảnh 1.

Trong khi đó, Tướng Mỹ Ben Hodges đã nghỉ hưu cho rằng Ukraina sẽ không cần phải vội vã vượt qua Dnepr trong khi họ bảo vệ Kherson ở bờ Tây và triển khai pháo binh để hạ gục các lực lượng Nga đang bảo vệ các đường tiếp cận Crimea vốn đã bị sáp nhập. 

Theo Tướng Hodges, các lực lượng Nga tập trung ở phía Nam có thể hứng chịu lực đẩy từ cánh bên kia của Ukraina, tức là từ cánh Kharkov hướng tới thành phố Mariupol bị tàn phá trên Biển Azov. 

Ông nói: "Họ (người Nga) sẽ có chiến hào, nhưng đó là địa hình mở rộng (ở phía Nam) và nơi đây sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của Ukraina. Căn cứ hỗ trợ hỏa lực Kherson này trở thành mỏ neo cho hỗ trợ cơ động hơn nữa khi Ukraina tiến đánh về phía Mariupol, Berdyansk và Melitopol".

Được giải phóng, người dân Kherson ăn mừng suốt 3 ngày liền

Tại Kherson vừa được giải phóng, "người dân Ukraina quá sức vui mừng". Sau hơn 8 tháng bị quân Nga chiếm đóng, suốt 3 ngày liên tiếp, người dân Kherson và các làng mạc xung quanh đã tưng bừng đón những người chiến sĩ giải phóng. 

Đó là một cuối tuần đầy xúc động, với những giọt nước mắt mừng vui. Cả nghìn người tập trung ở quảng trường Tự Do, hát vang những bài ca yêu nước.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 14/11 cũng đã đến thăm Kherson, phần thưởng lớn nhất mà quân đội của ông đã giành được cho đến nay, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Kiev giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng. 

Ông Zelensky đã bắt tay binh sĩ và vẫy tay chào những người dân đang nhìn ra từ các căn hộ xung quanh khi ông được các vệ sĩ hộ tống 3 ngày sau khi quân đội của ông tràn vào thành phố. Trong khi đó, người dân cũng xuất hiện, diễu hành với những lá cờ xanh vàng và hô vang "Kherson là của Ukraina" - một sự tương phản với những ngày đầu chiếm đóng khi người dân mắng mỏ binh lính Nga.

Sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, cục diện chiến tranh nghiêng về Ukraina? - Ảnh 2.

Không có quan chức cấp cao nào của Nga thực hiện chuyến thăm tương tự trong 8 tháng chiếm đóng thành phố mà Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố là của "nước Nga vĩnh viễn" 6 tuần trước. 

Sau khi chiếm Kherson, hằng ngày quân Nga đều bị dân biểu tình phản đối, cho đến khi họ ra tay đàn áp thô bạo. Một người dân Kherson cho rằng đã may mắn tránh được tình trạng của Mariupol, thành phố được giải phóng mà thường dân không phải thiệt mạng - một điều mà vài ngày trước đó khó thể hình dung. 

Tuy nhiên, một sĩ quan Ukraina nói rằng vẫn chưa hết hiểm nguy khi còn vài nghìn lính Nga ở lại phía hữu ngạn, trốn đâu đó ở Kherson, hoặc giả dạng thường dân. Để trả thù cho thất bại, Nga đã phóng một loạt hỏa tiễn S-300 vào Mykolaiv cách Kherson 60 km khiến 7 người thiệt mạng. Kherson có nguy cơ cùng chung số phận của những thành phố Ukraina không may nằm gần chiến tuyến.

EU đã chuyển giao vũ khí và thiết bị trị giá 8,2 tỷ USD cho Kyiv

Nhà ngoại giao hàng đầu của khối này cho biết, Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đã cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự trị giá ít nhất 8 tỷ euro (8,27 tỷ USD) cho Ukraina.

Josep Borrell nói với các phóng viên sau cuộc họp với các đối tác EU tại Brussels, số tiền này chiếm khoảng 45% so với những gì Hoa Kỳ đã cung cấp cho Kyiv.

Đàm phán hay không đàm phán?

Các lực lượng Ukraina đã tiến đến trung tâm Kherson hôm 11/11 sau khi buộc Nga phải rút lui khỏi thủ phủ khu vực duy nhất mà họ đã chiếm được và là thủ phủ mà Nga tuyên bố là một phần của mình.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên hôm 11/11 rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina "để đưa Ukraina vào vị trí tốt nhất có thể trên chiến trường" và sẽ không tìm cách ra lệnh cho nước này phải làm gì. 

Ông Sullivan nói: "Tôi nghĩ toàn bộ khái niệm 'Khi nào Ukraina sẽ đàm phán?' trên báo chí phương Tây đã bỏ qua những nguyên tắc cơ bản, đó là Nga tiếp tục... đưa ra những tuyên bố kỳ quặc về lãnh thổ bị sáp nhập". Ông Sullivan đang đề cập đến các báo cáo trích dẫn lời các quan chức cho rằng những thất bại gần đây của Moskva trên chiến trường có thể tạo cơ hội cho Ukraina cân nhắc đàm phán với Nga từ thế mạnh.

Tướng hàng đầu của Mỹ, Mark Milley, khi được hỏi về triển vọng ngoại giao tại một sự kiện vào tuần trước, đã lưu ý rằng việc sớm từ chối đàm phán trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm tăng thêm đau khổ cho con người và dẫn đến hàng triệu người thương vong. Ông Milley nói tại Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm 9/11: "Vì vậy, khi có cơ hội đàm phán, khi có thể đạt được hòa bình… hãy nắm bắt thời điểm".

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraina đã sẵn sàng cho hòa bình, nhưng chỉ với việc khôi phục tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng: "Bạn thấy đấy, quân đội của chúng tôi rất mạnh mẽ. Chúng tôi đang từng bước đi qua đất nước của mình, qua các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời".

Sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, cục diện chiến tranh nghiêng về Ukraina? - Ảnh 4.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14/11 cho rằng Ukraina sẽ quyết định về những điều kiện mà nước này có thể chấp nhận để chấm dứt chiến tranh. Ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo chung với các quan chức chính phủ Hà Lan ở La Haye: "Ukraina phải quyết định loại điều khoản nào được chấp nhận. Chúng tôi sẽ ủng hộ họ. Song chúng ta không nên phạm sai lầm khi đánh giá thấp Nga... Họ vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraina... Điều chúng ta nên làm là củng cố quyền lực của Ukraina".

Trong khi đó, cuộc họp bí mật đã diễn ra vào 14/11 tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Đại diện phái đoàn Nga là ông Sergey Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR). Ngoài ra không có thêm thông tin chi tiết nào khác được công bố. Khi được hỏi về việc này, người phát ngôn Điện Kremlin – Dmitry Peskov cho biết: "Tôi không thể xác nhận hay phủ nhận".

Đầu tháng này, truyền thông phương Tây đưa tin các quan chức hàng đầu của Nga và Mỹ đang tham gia các cuộc tiếp xúc trong "hậu trường". Theo tờ "The Wall Street Journal", ông Jake Sullivan đã làm việc với ông Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Nikolay Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Nhà Trắng không phủ nhận các cuộc đàm phán. Người phát ngôn Karine Jean-Pierre nói với báo giới rằng các cuộc tiếp xúc tập trung vào "giảm thiểu rủi ro".

Ngay từ khi xung đột Nga-Ukraina bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện quan điểm trung lập. Ankara duy trì liên lạc với cả hai bên, tìm cách làm trung gian hòa giải và tổ chức một cuộc đàm phán tại Istanbul vào đầu năm nay. Nhưng các cuộc đàm phán sau đó đã đi vào ngõ cụt.

Liên hợp quốc: Nga chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở Ukraina

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi Nga phải chịu trách nhiệm về việc tấn công Ukraina, đồng thời thông qua một nghị quyết công nhận rằng Nga phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nước này.

Nghị quyết, được hỗ trợ bởi 94 trong số 193 thành viên của hội đồng, công nhận rằng Nga phải chịu trách nhiệm về những vi phạm luật pháp quốc tế trong hoặc chống lại Ukraine và "phải chịu hậu quả pháp lý của tất cả các hành vi sai trái quốc tế của mình, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại do hành vi đó gây ra".

Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc, nhưng chúng có trọng lượng chính trị.

(Nguồn: TTXVN/Reuters/RFI)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement