31/03/2021 06:32
Sáng 31/3, thêm một buổi sáng Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19, lây nhiễm tăng trở lại tại Mỹ
Tính đến 6h ngày 31/3, thêm một buổi sáng Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19, đã có 48.256 người được tiêm vaccine. Thế giới ghi nhận thêm trên 10.000 ca tử vong mới và trên 500.000 ca nhiễm mới. Lây nhiễm tăng trở lại tại Mỹ trong khi Đức quyết định chỉ tiêm vaccine Astra cho người cao tuổi.
Như vậy, đến 6h ngày 31/3, Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 37.008 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 506 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 19.093 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 17.409 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 70 ca.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trong ngày 30/3, cả nước có thêm 1.840 người được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tính đến 16h ngày 30/3/2021, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được thực hiện tại 19 tỉnh, thành cho 48.256 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Thế giới trên 10.000 ca tử vong mới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 10.000 ca tử vong mới và trên 500.000 ca nhiễm mới. Lây nhiễm tăng trở lại tại Mỹ trong khi Đức quyết định chỉ tiêm vaccine Astra cho người cao tuổi.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 31/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 128,.761.547 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.814.383 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 514.454 và 10.201 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 102.893.250 người, 21.422.497 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 91.284 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (80.755 ca), Mỹ (58,291 ca) và Ấn Độ (53.076 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.378 ca), tiếp theo là Mỹ (815 ca) và Nga (409 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 31.092.451 triệu người, trong đó có 564.083 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 12.658.109 ca nhiễm, bao gồm 317.646 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 12.148.405 ca bệnh và 162.502 ca tử vong.
Mỹ: Lây nhiễm tăng trở lại
Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã duy trì ổn định trong vài tuần gần đây nhưng hiện đang gia tăng trở lại. Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 60.000 ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng tăng 3% lên khoảng 1.000 ca/ngày. Trước tình hình này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky đã khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng trong nước. Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, với mục tiêu thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự định chia sẻ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca sang hai nước láng giềng Canada và Mexico và đã đóng góp hoặc cam kết dành 4 tỷ USD cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX để hỗ trợ tiêm chủng tại các nước đang phát triển.
Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Biden đã đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ và đặt mục tiêu 90% số người trưởng thành ở nước này có đủ điều kiện tiêm chủng trước ngày 19/4.
Với tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, Mỹ có thể sẽ sớm dư thừa vaccine. Hiện Mỹ đã tiêm 143 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 và 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó tỷ lệ tiêm ở nhóm trên 65 tuổi đạt gần 50%.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp