05/01/2024 14:39
Sân bay Tân Sơn Nhất chi gần 400 triệu lắp máy đuổi chim
Trong nhiều năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất cùng một số sân bay ở nước ta thường xuyên gặp rắc rối do chim trời. Do đó, nhiều sân bay trong nước đã có những biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng này.
Ngày 4/1, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án "Lắp đặt thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh trong sân bay". Tổng mức đầu tư cho dự án gần 400 triệu đồng.
Theo đó, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ lắp đặt 8 thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh của các loài chim săn mồi. Phương pháp này đã được áp dụng ở các sân bay trên toàn quốc.
Để triển khai dự án, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã chia thành 3 gói thầu liên quan. Trong đó, gói thầu chính cung cấp lắp đặt 8 thiết bị phát âm thanh xua đuổi chim có giá trị gần 393 triệu đồng. Hai gói thầu tư vấn và bảo hiểm còn lại gần 7 triệu đồng, theo baogiaothong.vn.
Việc gắn thiết bị phát âm thanh đuổi chim được triển khai ở nhiều sân bay khác trên toàn quốc. Đáng chú ý, sân bay Nội Bài (Hà Nội) sử dụng âm thanh của các loài chim săn mồi gắn trên xe bán tải, còn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) dùng xe cứu hỏa để xua đuổi.
Cùng với việc sử dụng âm thanh của các loài săn mồi gắn trên xe bán tải, từ năm 2021, sân bay Nội Bài thử nghiệm thiết bị xua đuổi chim chuyên dụng. Công nghệ này có thể cầm tay, gắn trên ô tô hoặc đặt ở vị trí cố định. Theo đại diện sân bay, ghi nhận từ hệ thống camera cho thấy kết quả thử nghiệm bước đầu khá tốt khi tín hiệu, tần suất chim về giảm hơn ở tầng thấp.
Các sân bay cũng tổ chức nạo vét mương trong khu bay nhằm giảm thiểu nguồn thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, để chim không dừng chân trong quá trình di cư. Cỏ cũng được cắt thường xuyên, tránh thu hút chim đến tìm kiếm thức ăn.
Từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều vụ chim trời va vào động cơ, thân vỏ máy bay ở nước ta. Hiện tượng này đặc biệt gây nguy hiểm trong quá trình vận hành và gây thiệt hại tài chính tới các hãng bay khi phải sửa chữa tàu bay.
Vào năm 2019, chuyến bay VJ320 của Vietjet Air di chuyển từ TP.HCM đi Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong quá trình hạ cánh đã va phải chim trời. Khi máy bay hạ cánh an toàn và đi vào sân đỗ, thợ kỹ thuật phát hiện chim trời trong động cơ và phải mất nhiều giờ mới có thể khắc phục xong hư hỏng.
Đến tháng tháng 10/2020, thợ máy kiểm tra kỹ thuật nhận thấy động cơ của máy bay VN-A581 đã bị móp sau khi thực hiện chuyến bay từ Hải Phòng tới Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài - Thừa Thiên Huế khi nhân viên kỹ thuật tàu bay phát hiện có lông chim trong động cơ của máy bay VN-A652 mang số hiệu VJ310.
Tháng 3/2021, tổ kỹ thuật hàng không phát hiện máy bay của Vietnam Airlines hỏng vỏ bọc động cơ sau chuyến bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội, nguyên nhân là do bị chim trời va đập.
Trong năm 2022, tình trạng chim trời lao vào máy bay tiếp tục không có tình trạng thuyên giảm. Hiện tượng này khiến một số máy bay thiệt hại hàng trăm tỷ đồng để bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.
Điển hình là chiếc A321 của Vietnam Airlines số hiệu VN1297 từ Quy Nhơn (Bình Định) về TP.HCM được kiểm tra sau chuyến bay, phát hiện vết chim va vào động cơ số 2. Do đó, đội ngũ kỹ phải tháo động cơ gửi đi sửa chữa, chờ kết quả đánh giá hỏng hóc của nhà chế tạo, ước tính chi phí hết 30,4 tỷ đồng. Đến tháng 4/2022, liên tiếp các vụ va chạm khiến hãng bay thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, theo TPO.
Về độ nguy hiểm khi máy bay gặp phải chim trời, anh T.X.H. - kỹ sư máy bay tại trung tâm bảo dưỡng nội trường, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) cho biết: "Một trong những tình huống nguy hiểm nhất của hàng không là khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh thì 1 đàn chim bay ngang qua và bị hút vào động cơ. Tùy vào kích cỡ của loài chim và đàn, sự cố này có thể gây ra hỏng hóc 1 phần hoặc toàn bộ động cơ. Khi máy bay cất cánh thì sẽ phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp từ đó gây nên những thiệt hại về mặt tài chính. Ngoài ra, đàn chim trời lớn va vào mũi máy bay cũng dễ gây móp méo".
(Tổng hợp)Tin liên quan
Advertisement
Advertisement