30/01/2021 09:27
Quảng Ninh, Hải Dương đảm bảo đủ hàng hóa, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, các tỉnh vùng dịch COVID-19 là Hải Dương và Quảng Ninh đảm bảo đủ nguồn hàng hóa cho nhu cầu ngày thường và Tết.
Theo Bộ Công Thương, tổng trị giá hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt trên 1.000 tỷ đồng (luân chuyển liên tục).
Trong đó, tại hệ thống Siêu thị Big C chuẩn bị nguồn hàng trên 80 tỷ; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của Tập đoàn Masan chuẩn bị nguồn hàng trên 22,5 tỷ; siêu thị BRG (Intimex cũ) chuẩn bị nguồn hàng trên 20 tỷ; hệ thống siêu thị Lan Chi chuẩn bị nguồn hàng trên 40 tỷ; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên 250 tỷ đồng...
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống ở Hải Dương: nguồn cung nhiều, không chỉ sẵn sàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh mà còn cung ứng phục vụ nhân dân tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phụ cận.
Trong đó, tổng đàn heo toàn tỉnh khoảng 350.000 con; riêng đàn lợn thịt đủ tiêu chuẩn xuất chuồng 260.000 con (tương ứng khoảng 33.000 - 35.000 tấn thịt hơi); đàn gia cầm 15,5 triệu con (riêng đàn gà trên 12 triệu con); trứng các loại 390.000 quả; thủy sản nước ngọt các loại gần 88.000 tấn…
Giá cả hàng hóa tại Hải Dương trong những ngày qua cơ bản ổn định. Riêng mặt hàng thịt heo, trong nửa đầu tháng 1 giá heo hơi tăng nhẹ (mức tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/kg), đã tác động nhỏ đến giá bán lẻ thịt heo trên địa bàn.
Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thịt heo trong dịp tết tăng dần, bên cạnh đó xuất hiện tình trạng xuất lậu heo hơi qua đường mòn, lối mở với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
Tính chung cả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sức mua ở Hải Dương dự kiến sẽ tăng tối đa khoảng 15-17% so với Tết Canh Tý năm 2020.
Do đó, nhu cầu mua sắm dự kiến sẽ tăng dần kể từ ngày 30/1/2021; trong đó cao điểm mua bán sẽ tập trung từ ngày 4/2/2021 đến hết ngày 11/2/2021 (tức từ ngày 23 đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý).
Dự báo, trong dịp Tết Tân Sửu, ở Hải Dương sẽ không có tình trạng khan hàng, sốt giá vì nguyên nhân mất cân đối cung - cầu hàng hóa. Riêng đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi…, do tính chất tươi sống, khó vận chuyển, bảo quản nên những ngày cận tết khả năng mức giá sẽ tăng nhẹ, trong ngắn hạn, với phạm vi hẹp.
Đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng trên thị trường tỉnh Quảng Ninh cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng.
Qua khảo sát, nắm tình hình các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết trị giá gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo các loại, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu bia, đồ uống giải khát, hàng may mặc, hàng trang trí nội thất và một số hàng tiêu dùng khác.
Theo báo cáo một số đơn vị dự trữ nguồn hàng tương đối lớn để phục vụ tết như Siêu thị MM Mega Market dự trữ khoảng gần 150 tỷ đồng tổng giá trị hàng hóa, siêu thị Go! (Big C Hạ Long) dự trữ khoảng gần 130 tỷ đồng, hệ thống siêu thị Vinmart dự trữ khoảng gần 100 tỷ đồng, siêu thị Aloha dữ trữ trên 80 tỷ đồng, siêu thị TTP dự trữ trên 15 tỷ đồng …
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, hiện nay, chăn nuôi của tỉnh cung cấp khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng, còn lại chủ yếu đều nhập từ tỉnh ngoài (như Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định và các tỉnh miền Trung).
Nhằm góp phần ổn định thị trường, hạn chế việc khan hiếm hàng, đặc biệt đối với mặt hàng thịt heo, Sở Công Thương Quảng Ninh đã trao đổi với các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh cam kết, có phương án nhập khẩu mặt hàng thịt heo an toàn với giá cả đảm bảo không cao hơn thị trường nhằm (trong đó, thịt heo nhập khẩu tại siêu thị MM Mega Market dự trữ khoảng trên 6 tấn/tháng; Go! (Big C Hạ Long) dự trữ khoảng 3 tấn/tháng).
(Tổng hợp)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp