Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

PMI của Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 12/2023 nhưng vẫn dưới mức trung bình

Báo cáo phân tích

10/01/2024 17:03

Theo số liệu mới được S&P Global công bố vào đầu tháng này, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 12 đạt mức 48,9 điểm. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt mức dưới 50 điểm.

Báo cáo của S&P Global cho biết, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 12/2023, tăng nhẹ từ mức 47,3 điểm của tháng 11 lên 48,9 điểm. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất suy giảm tháng thứ tư liên tiếp, nhưng tốc độ suy giảm chậm hơn.

Báo cáo đánh giá rằng, sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam yếu trong hầu hết thời gian của năm 2023, chỉ cải thiện nhẹ trong tháng 2 và tháng 8. Kết quả chỉ số PMI trung bình của năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Mức giảm lần này phản ánh tình trạng nhu cầu yếu kém, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 12 giảm tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại so với tháng 11, khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới gần như ổn định.

PMI của Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 12/2023 nhưng vẫn dưới mức trung bình- Ảnh 1.

Chỉ số PMI Sản xuất của S&P Global Việt Nam đã tăng lên 48,9 vào tháng 12/2023 từ mức thấp nhất trong 5 tháng là 47,3 vào tháng 11. Đây là tháng thứ tư liên tiếp hoạt động của nhà máy giảm, với nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần thứ hai liên tiếp và sản lượng giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Những người tham gia khảo sát cho biết, tình trạng tăng giá gần đây đã làm nản lòng khách hàng, góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Để ứng phó với điều này, các nhà sản xuất hạn chế việc tăng giá bán hàng vào thời điểm cuối năm và chỉ tăng giá ở mức nhẹ nhất trong thời kỳ tăng giá kéo dài năm tháng gần đây.

Trong khi đó, tình trạng chi phí đầu vào tháng 12 tiếp tục tăng đáng kể, với tốc độ ít thay đổi so với hồi tháng 11. Chi phí đầu vào tăng thường phản ánh mức tăng giá điện và dầu, thêm vào đó là tình trạng đồng tiền yếu.

Sản xuất công nghiệp năm qua đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp khó dẫn đến hàng tồn kho trong doanh nghiệp hiện đang rất cao.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,93 điểm phần trăm.

Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm do tình trạng nhu cầu yếu, các nhà sản xuất đã tiếp tục giảm sản lượng trong tháng 12, kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành 4 tháng.

Các công ty dự báo rằng sản lượng sẽ tăng trong năm 2024, với kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi ở cả thị trường trong nước và nước ngoài và nhờ những kế hoạch mở rộng kinh doanh. Mặc dù tâm lý kinh doanh đã đạt mức cao trong vòng 3 tháng trở lại đây, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình.

Kỳ vọng sản lượng tăng trong năm 2024 khiến các công ty duy trì việc làm và hoạt động mua hàng hầu như ổn định trong tháng 12, bất chấp việc số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Báo cáo đánh giá, tình trạng ổn định nói chung vào thời điểm cuối năm cho thấy sự cải thiện so với mức giảm nhẹ trong tháng 11. Tuy nhiên, tồn kho hàng hóa đầu vào giảm tháng thứ tư liên tiếp. Việc thiếu nhu cầu hàng hóa đầu vào và tình trạng cạnh tranh giữa các nhà cung cấp khiến thời gian giao hàng tiếp tục được rút ngắn, với mức độ cải thiện nhỏ.

Một số công ty tăng lượng hàng tồn kho hàng hóa chưa bán, do giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Còn những công ty khác lại giảm sản lượng tương ứng để tránh tăng hàng tồn kho. Lượng công việc tồn đọng đã tăng lần đầu tiên trong một năm và là mức độ tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2022.

Bình luận về ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 12, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: "Tháng cuối của năm phản ánh bức tranh ngành sản xuất Việt Nam trong hầu hết thời gian năm 2023, với tình trạng nhu cầu yếu dẫn tới sản lượng giảm. Trước tình trạng nhu cầu yếu, các công ty đã phải hạn chế tăng giá bán hàng trong tháng 12 để thu hút đơn đặt hàng mới, dù chi phí đầu vào của họ tiếp tục tăng đáng kể".

Ông cho biết, sự chú ý đang tập trung vào triển vọng cho năm 2024 khi các công ty vẫn kỳ vọng rằng sản lượng sẽ tăng. Điều này dẫn đến sự ổn định của việc làm và hoạt động mua hàng, mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới giảm và các nhà sản xuất cố gắng duy trì năng lực sản xuất với hy vọng những ngày tươi sáng hơn sẽ đến.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement