06/11/2023 15:26
PMI tháng 10 giảm nhẹ, tiếp tục dưới ngưỡng trung bình
Báo cáo của S&P Global cho biết, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10/2023, giảm nhẹ từ mức 49,7 điểm của tháng 9 xuống mức 49,6 điểm.
Theo Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global, có 3 điểm nổi bật của ngành sản xuất Việt Nam tháng 10/2023 bao gồm: việc làm ổn định nhưng sản lượng giảm tháng thứ hai liên tiếp và chi phí đầu vào tăng.
Báo cáo của S&P Global cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10/2023, giảm nhẹ từ mức 49,7 điểm của tháng 9 xuống mức 49,6 điểm.
Theo báo cáo, các điều kiện kinh doanh tổng thể trong ngành sản xuất của Việt Nam đã suy giảm nhẹ vào tháng 10 khi các công ty tiếp tục giảm sản lượng mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ.
Một số công ty đã tăng sản lượng phù hợp với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, tuy nhiên các công ty đã có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không cần tăng sản lượng, theo báo cáo.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp khi có các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và là mức yếu nhất trong thời kỳ tăng hiện nay. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy khách hàng vẫn ngần ngại trong việc cam kết đơn hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng chậm lại trong tháng.
Điểm tích cực hơn trong tháng 10 chính là tình hình việc làm đã ổn định sau thời kỳ suy giảm và các công ty tiếp tục gia tăng hoạt động mua hàng với tâm lý lạc quan về triển vọng trong một năm tới. Việc làm hầu như không thay đổi vào đầu quý cuối của năm, từ đó kết thúc thời kỳ giảm việc làm kéo dài 7 tháng.
Sự ổn định của việc làm và năng lực sản xuất không được sử dụng hết đã cho phép các nhà sản xuất giảm đáng kể lượng công việc tồn đọng trong tháng 10. Hơn nữa, tốc độ giảm là mạnh nhất kể từ tháng 6/2021.
Tuy nhiên, sự kết hợp của giá dầu tăng và đồng tiền yếu đã khiến tốc độ lạm phát tăng tháng thứ hai liên tiếp và giá cả đầu ra đã tăng tương ứng. Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát đã đạt mức cao của 8 tháng, theo báo cáo.
Sự ảnh hưởng của việc tăng giá dầu được cho là đã làm tăng chi phí đầu vào, khi nhiên liệu và nhựa nằm trong số những mặt hàng có giá cả chịu ảnh hưởng của việc tăng chi phí dầu. Trong khi đó, sự giảm giá của tiền Đồng so với USD cũng tạo thêm áp lực tăng chi phí. Để bù đắp, các công ty đã tăng mạnh giá bán hàng, theo Asean Times.
Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng và đây là lần tăng thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh các công ty nỗ lực tăng dự trữ hàng hóa đầu vào để đáp ứng nhu cầu sản xuất được dự kiến tăng. Tuy nhiên, tồn kho hàng mua tiếp tục giảm.
Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi các nhà sản xuất đã sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới thay vì tăng sản lượng. Lần tăng thứ hai liên tiếp của hàng tồn kho sau sản xuất là nhẹ, nhưng là đáng kể nhất kể từ tháng 1.
Cuối cùng, sự cải thiện về thời gian giao hàng của nhà cung cấp từng được ghi nhận từ đầu năm đã tiếp tục diễn ra trong tháng 10 khi có các báo cáo về tình trạng công suất dư thừa của người bán. Tuy nhiên, mức độ rút ngắn thời gian giao hàng là ít đáng kể nhất kể từ tháng 4.
Bộ Công Thương đánh giá, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam ở mức nhỏ. Do đó, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, theo Tạp chí Công Thương.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%; ngành khai khoáng giảm 3,2%.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp