12/10/2021 20:22
Phó Chủ tịch Hà Nội lý giải việc treo biển trước nhà người về từ TP.HCM
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ với PV Báo Giao thông việc gắn biển trước nhà người dân về từ TP.HCM.
Có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chiều nay (12/10) để kiểm tra việc triển khai quy trình đón khách, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ với PV Báo Giao thông xung quanh việc mở cửa tiếp nhận các chuyến bay cũng như quyết định mới nhất của Sở Y tế Hà Nội treo biển trước nhà người về từ TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao đổi với PV Báo Giao thông. Ảnh Phan Công
Treo biển không phải chuyện mới
Trong văn bản hỏa tốc phối hợp thực hiện công tác y tế để thí điểm mở đường bay nội địa đi và đến Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đề nghị treo biển trước cửa nhà ghi dòng chữ: "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19". Tại sao lại có quy định này, thưa ông?
Mục tiêu của việc treo biển không gì khác là để đảm bảo an toàn phòng dịch. Để có được thành quả chống dịch như ngày hôm nay, Hà Nội phải rất nỗ lực. Hiện nay, chúng tôi cũng đang rất quyết tâm bảo vệ thành quả đó, cũng chính là bảo vệ được tính mạng và sức khỏe cho người dân.
Việc triển khai tiếp nhận các chuyến bay, hành khách là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Hà Nội để vừa đảm bảo phòng chống dịch cao nhất, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, vừa phát triển kinh tế.
Nhiều người băn khoăn giải pháp này có phù hợp và gây ra những ý kiến trái chiều?
Việc này không phải là siết chặt về mặt y tế hay quản lý. Treo biển chỉ đơn thuần các cơ quan y tế hướng dẫn để theo dõi sức khỏe của người dân trong bối cảnh có nguy cơ về dịch bệnh. Do không thực hiện việc cách ly nữa, nên ý thức của công dân rất quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Khi treo biển, cơ quan chức năng về y tế, tổ Covid-19 cộng đồng, hàng xóm, láng giềng... đều biết có người về từ vùng dịch, từ đó có biện pháp phòng chống dịch và giám sát được tốt nhất, an toàn nhất cho tất cả mọi người.
Biện pháp dán biển ở cổng nhà người về từ vùng dịch có phải là mới tại Hà Nội, thưa ông?
Đây không phải là biện pháp mới. Trong thời gian chống dịch vừa qua, Hà Nội vẫn thực hiện việc dán biển ở các gia đình có F0.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách trên chuyến bay từ Tân Sơn Nhất về Nội Bài chiều nay (12/10)
Tiêm phủ được vaccine mũi 2 Hà Nội sẽ sẵn sàng mở cửa
Trở lại với các chuyến bay, nhiều địa phương không yêu cầu phải cách ly tập trung hoặc tại nơi lưu trú, cư trú. Vì sao Hà Nội phải nâng mức phòng chống dịch cao hơn các tỉnh thành khác, thưa ông?
Vì Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính, là đầu não quốc gia, tập trung các cơ quan của trung ương, của thành phố. Tôi có thể khẳng định, khi đã đạt được điều kiện về phòng chống dịch bệnh và tiêm phủ được vaccine mũi 2 cho người dân, tiêm phòng cho công dân dưới 18 tuổi, Hà Nội sẵn sàng mở cửa.
Chúng ta không thể đóng cửa mãi được, nhưng điều kiện và thời điểm để mở cửa là vấn đề quan trọng nhất.
Như vậy ông cho rằng chưa chín muồi để Hà Nội mở cửa trở lại?
Hà Nội bây giờ mới tiêm phủ vaccine mũi 2 cho 50% dân số. Người dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm. Vì vậy Hà Nội phải tiếp tục bảo vệ thành quả chống dịch. Tôi mong rằng, mọi người nắm chắc thông tin, quan điểm của thành phố để ủng hộ và bảo vệ cho chính chúng ta.
Trong ít ngày tới, Hà Nội có tiếp tục đồng thuận kết nối thêm các đường bay?
Chúng tôi đang rất tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị ngành hàng không. Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, CDC thường xuyên về kiểm dịch; tổng hợp danh sách để thông báo cho các cơ quan, ban ngành của thành phố, quận huyện, xã phương để phối hợp đón hành khách trên các chuyến bay về lưu trú tại địa bàn và thực hiện việc theo dõi sức khỏe tại nhà.
Việc kết nối thêm đường bay là kế hoạch của Bộ GTVT, của Cục Hàng không. Khi có chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, Hà Nội phải phối hợp, đồng thời có các biện pháp để đảm bảo phòng chống dịch một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, việc không cách ly tập trung với khách về từ vùng dịch đòi hỏi yêu cầu về ý thức tự giác rất cao của người dân.
Vậy việc xử phạt người không chấp hành các yêu cầu theo dõi y tế thế nào, thưa ông?
Việc xử lý có từng mức và tùy theo hành vi của người vi phạm, thậm chí có cả truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hà Nội có xác định “Zero Covid” không, hay vẫn tính những phương án riêng về việc kiểm soát dịch bệnh?
Đó là chỉ đạo chung của Chính phủ, là chủ trương đúng nên không có gì phải băn khoăn. Chúng ta phải xác định không thể không có Covid-19 được, phải sống chung với Covid-19. Chỉ có điều là phải có các biện pháp, có các thời điểm và mức độ phòng chống dịch phù hợp.
Đặc biệt, phải phủ được tiêm mũi 2 vaccine trên 70% và tiêm vaccine cho các cháu dưới 18 tuổi để có một tâm thế sẵn sàng, chống chọi và ứng xử với Covid, từ đó tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều người cho rằng, Hà Nội có các “rào cản chính sách” như thể để gây khó cho các địa phương khác. Vậy thực sự Hà Nội có ý gây khó dễ trong việc tiếp nhận người về từ vùng dịch không, thưa ông?
Hà Nội không bao giờ gây khó dễ cho ai cả. Hà Nội có những đặc thù riêng vì là thành trì cuối cùng nên phải quyết tâm bảo vệ và giữ vững. Cả nước vì Thủ đô và Thủ đô cùng cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi cũng trăn trở ngày đêm, ăn không ngon, ngủ không yên về việc này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp