31/01/2021 13:39
Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư
Ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Sáng 31/1/2021, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tiến hành phiên họp để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Với việc tái đắc cử lần này, ông Trọng là người được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng bí thư tại 3 nhiệm kỳ (XI, XII và XIII). Ông cũng là một trong hai trường hợp đặc biệt ở cấp Bộ Chính trị tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa mới (cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, là con út trong gia đình thuần nông có 4 anh chị em tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Trong 13 năm từ 1983 đến 1996, ông Nguyễn Phú Trọng công tác tại Tạp chí Cộng sản, đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Xây dựng Ðảng, Phó tổng biên tập, Tổng biên tập.
Từ năm 1996, ông lần lượt trải qua các chức vụ quan trọng như Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng.
Năm 2006, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, 5 năm sau, ông được bầu làm Tổng bí thư.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, như việc đề ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Chống tham nhũng cũng là ưu tiên hàng đầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ban Nội chính Trung ương được tái lập, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được làm rõ, xét xử nghiêm mình. Hàng loạt cán bộ cấp cao, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng là dấu ấn đậm nét trong những nhiệm kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư.
Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông nhiều lần khẳng định quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai không làm thì đứng sang một bên".
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement