31/01/2021 19:01
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động
Một lần nữa, mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động được nhắc lại, chỉ khác là thời gian đạt được đã kéo thêm 5 năm.
Đây là một trong những mục tiêu rất cụ thể được các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng thảo luận khi đóng góp ý kiến cho các văn kiện.
Tính đến hết tháng 12/2020, tổng số doanh nghiệp Việt Nam trên hệ thống đăng ký kinh doanh là khoảng 890.000 doanh nghiệp. |
Năm 2016, tại Nghị quyết 35/2016/NQ - CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã được đặt ra. Tuy nhiên, với số liệu doanh nghiệp đăng ký mới tính đến hết tháng 12/2020, tổng số doanh nghiệp Việt Nam trên hệ thống đăng ký kinh doanh là khoảng 890.000 doanh nghiệp.
Nếu theo tỷ lệ khoảng 60 - 70% doanh nghiệp hoạt động trên 100 doanh nghiệp đăng ký, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì số doanh nghiệp đang hoạt động là khoảng 600.000 doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc đạt được mục tiêu này trong 5 năm tới không hề dễ. Tuy nhiên, việc thảo luận mục tiêu rất cụ thể trên không đơn giản là bàn về những con số.
Lý do bởi số lượng doanh nghiệp đang hoạt động là đầu ra của môi trường đầu tư - kinh doanh, của những điều kiện đầu tư kinh doanh, của các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, của các cơ chế phân bổ nguồn lực, tiếp cận các nguồn lực...
Cũng phải nhìn lại lý do không đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Khi xây dựng mục tiêu này, Chính phủ đã kỳ vọng các nhóm giải pháp và nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP sẽ là động lực thúc đẩy. Song, ngoài tác động vô cùng lớn, đa đạng, khó dự báo tới hoạt động sản xuất kinh doanh do Covid-19 gây ra, các nghiên cứu, đánh giá đều cho thấy nguyên nhân chính là mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Hộp thư điện tử, đường dây nóng trả lời doanh nghiệp ở các địa phương gần như không hoạt động...
Chưa kể, chi phí kinh doanh, rủi ro trong kinh doanh do quy định không đầy đủ, chồng chéo, do thực thi chính sách không minh bạch, rõ ràng… tiếp tục được xếp hàng đầu những lý do doanh nghiệp chưa sẵn sàng mở rộng kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, đầu tư vào đổi mới sáng tạo.
Như vậy, với thực trạng này, thì không chỉ mục tiêu số lượng, mà cả mong muốn có được một lực lượng doanh nghiệp chất lượng càng trở nên thách thức.
Trong báo cáo văn kiện Đại hội XIII, một trong những trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới là đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Trong nội dung này, có thể thấy rõ nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và năng lực phục vụ, hỗ trợ phát triển của Nhà nước, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, nội dung tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng được ghi rõ.
Với định hướng này, có thể thấy được cơ hội để có thể giải quyết được hoàn toàn những vấn đề, khó khăn lâu nay của doanh nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng là giới kinh doanh, doanh nghiệp sẽ đạt được mong muốn được tự làm thế nào, làm theo cách gì để thành công, chứ không chỉ là được làm những gì mà pháp luật không cấm như hiện tại.
Khi niềm tin kinh doanh sẽ thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh, sức sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có thể thay bằng 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả, đầy sức cạnh tranh...
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement