Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

OECD: Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á

Phân tích

11/04/2023 14:30

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo thảo luận về triển vọng kinh tế của khu vực, cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2023 và tăng lên 6,6% trong năm 2024. Với tốc độ này, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Trong báo cáo nhan đề "Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023: Phục hồi du lịch sau đại dịch", OECD nhận định thành tích của Việt Nam nhờ vào đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực chế tạo (nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép), đồng thời được hưởng lợi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19. 

OECD cho rằng, việc kết thúc các chương trình hỗ trợ sau dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam cải thiện tình hình tài chính công, đồng thời cũng khuyến nghị cần phải tiếp tục giám sát chặt xu hướng lạm phát.

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó. Báo cáo nhấn mạnh tác động kinh tế của du lịch trong khu vực và khám phá cách thức tái định hình ngành này để lấy lại vai trò quan trọng ở châu Á mới nổi. 

Việc gián đoạn hoạt động du lịch cho phép các quốc gia trong khu vực xem xét các cải cách trong lĩnh vực này, bao gồm đa dạng hóa thị trường du lịch và giải quyết các thách thức của thị trường lao động, đồng thời đáp ứng các nhu cầu và sở thích mới của thế giới hậu đại dịch, ưu tiên các hoạt động bền vững và có trách nhiệm với môi trường, tăng tốc kỹ thuật số hóa.

OECD: Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Container hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Báo cáo của OECD nhận định Việt Nam có thế mạnh nhờ phong cảnh đẹp, sự đa dạng của các loại hình du lịch dựa vào đời sống cộng đồng. Du lịch di sản, văn hóa và ẩm thực cũng rất có tiềm năng. 

Thách thức lớn nhất là nâng cao chất lượng hạ tầng, liên kết tốt hơn giữa các tác nhân cung cấp dịch vụ du lịch, mở rộng sự tham gia của cấp địa phương và kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên. 

Việt Nam cũng cần nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn khách từ bên ngoài, chú trọng đến thị trường các nước ASEAN, Ấn Độ mà Việt Nam hiện nay khai thác hạn chế so với các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Malaysia. Đồng thời, khai thác tốt hơn du lịch nội địa, du lịch bền vững và du lịch xanh.

Báo cáo trên cũng đề cập về triển vọng kinh tế của khu vực và những thách thức kinh tế vĩ mô tại thời điểm có nhiều bất ổn và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là do áp lực lạm phát, biến động dòng vốn và tắc nghẽn phía cung.

Theo OECD, các nền kinh tế mới nổi châu Á, bao gồm ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ đã chứng tỏ sức hồi phục tốt trước diễn biến phức tạp toàn cầu, đứng vững trước những thách thức lớn như dịch COVID-19, cuộc xung đột ở Ukraina và kinh tế toàn cầu giảm tốc. 

Những thành tích đó đạt được nhờ chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô phù hợp, hiệu quả xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở một số nước. Tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế mới nổi châu Á dự báo sẽ đạt 5,3% năm 2023 và 5,4% năm 2024. 

Cụ thể, tăng trưởng của Philippines dự báo sẽ đạt 5,7% năm 2023 và 6,1% năm 2024; Indonesia đạt 4,7% và 5,1%; Malaysia đạt 4,0% và 4,2%;Thái Lan đạt 3,8% và 3,9% trong cùng thời gian. 

Tuy nhiên, OECD cho rằng các nền kinh tế mới nổi châu Á tiếp tục đứng trước những nguy cơ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và ổn định, bao gồm lạm phát, kinh tế toàn cầu giảm tốc và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Kensuke Molnar-Tanaka, Trưởng bộ phận châu Á tại Trung tâm Phát triển OECD, nêu rõ hoạt động thương mại của nhiều quốc gia trong khu vực sôi động vào năm 2022, nhưng đã chậm lại từ quý IV cùng năm.

Theo ông Tanaka, hoạt động này được dự báo sẽ suy yếu trong năm nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề về nguồn cung.

Tuy nhiên, ông nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm này, nhấn mạnh dòng chảy xuyên biên giới từ Trung Quốc sẽ là một nguồn quan trọng trong khu vực.

Trong khi đó, bà Alisara Mahasandana, Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Thái Lan (BoT), đánh giá việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới sẽ có lợi cho ngành du lịch và xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay.

Bà Alisara cho biết sự phục hồi của Thái Lan ngày càng vững chắc hơn chủ yếu nhờ du khách Trung Quốc trở lại "xứ sở Chùa Vàng".

Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc nhiều vào du lịch, nên khi "ngành công nghiệp không khói này" phục hồi, thu nhập và việc làm được cải thiện sẽ thúc đẩy tăng tiêu dùng tư nhân và nhu cầu trong nước.

(Tổng hợp)

GIA HÂN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement