Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những tín hiệu khởi sắc đầu tiên của kinh tế Trung Quốc

Phân tích

04/04/2024 10:00

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 3, chấm dứt sự suy giảm kéo dài 5 tháng và thêm bằng chứng cho thấy ngành công nghiệp nước này đang tạo đà cho sự phục hồi kinh tế.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI chính thức tăng lên 50,8, mức cao nhất trong một năm, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước đó, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này đạt mức nhanh nhất trong hai năm vào tháng 1 và tháng 2, xuất khẩu cũng tăng trong cùng khoảng thời gian này.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế tại Pinpoint Asset Management, cho biết: "Lĩnh vực công nghiệp dường như có khả năng phục hồi tốt, một phần nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Nếu chi tiêu tài chính tăng và xuất khẩu vẫn mạnh, động lực kinh tế có thể được cải thiện".

Những số liệu mới nhất cho thấy ngành công nghiệp có thể là động lực giúp chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong năm 2024, ngay cả khi Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức khác, bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và căng thẳng địa chính trị.

Những tín hiệu khởi sắc đầu tiên của kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Là số liệu chính thức được công bố đầu tiên mỗi tháng, PMI cung cấp cái nhìn sơ bộ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, PMI ngành dịch vụ tháng 3 của Trung Quốc cũng tăng lên 53 điểm, cao hơn mức dự báo bình quân 51,5 điểm của các nhà kinh tế. PMI trên ngưỡng 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng so với tháng trước đó, còn dưới 50 điểm đánh dấu sự sụt giảm.

Bruce Pang, nhà kinh tế khu vực Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, cho biết PMI phi sản xuất cũng cho thấy các công ty có niềm tin và kỳ vọng tương đối mạnh mẽ vào hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Nhu cầu yếu từ các đối tác kinh tế lớn cùng với các biện pháp trừng phạt và hạn chế ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm của nước này đã khiến thương mại của Trung Quốc bị ảnh hưởng trong năm qua. 

Giá tiêu dùng trong tháng 2 tăng lần đầu tiên sau 5 tháng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên 5,3% từ mức 5,1% vào tháng 12, phản ánh thị trường lao động ảm đạm đang đè nặng lên nhu cầu trong nước.

PMI sản xuất được tính toán dựa trên 5 yếu tố gồm đơn hàng mới, sản xuất, việc làm, giao hàng từ nhà cung cấp và hàng tồn kho. Theo nhà kinh tế David Qu của Bloomberg Intelligence, tăng trưởng PMI sản xuất tháng 3 của Trung Quốc chủ yếu nhờ yếu tố sản xuất và đơn hàng mới. Trong đó, chỉ số sản xuất tăng từ 49,8 điểm lên 52,2 điểm, còn đơn hàng mới tăng từ 49 điểm lên 53 điểm.

"Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho sự gia tăng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc", Qu nhận xét trong một báo cáo công bố ngày 31/3.

Tuy nhiên, theo Qu, số liệu mới nhất cho thấy giá tại cổng nhà máy của các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục giảm, trong đó cầu phần giá thành phẩm thậm chí giảm mạnh. Giá tại cổng nhà máy là giá của sản phẩm trước khi xuất khỏi nhà máy, một chỉ số đã loại bỏ chi phí vận chuyển và giao hàng.

Những tín hiệu khởi sắc đầu tiên của kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.

Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% doanh thu thuế tại Trung Quốc, hơn 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hơn 80% việc làm tại khu vực đô thị. Ảnh: Bloomberg

Tại kỳ họp Quốc hội tháng trước, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Các nhà kinh tế đánh giá mục tiêu này không dễ đạt được trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục kéo dài cùng với áp lực lạm phát tại quốc gia này.

Từ đầu năm nay, nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục bơm thanh khoản dài hạn vào hệ thống ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay. Các quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng phát đi tín hiệu về việc có thể tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.

Chính phủ Trung Quốc thời gian qua cũng tăng chi tiêu nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời cam kết hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu, thay thế đồ dùng như ô tô, hàng gia dụng.

Lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản lớn đối với nền kinh tế, với đầu tư giảm 9% và doanh số bán nhà ở giảm 33% tính theo giá trị, từ tháng 1 đến tháng 2 so với một năm trước đó.

China Vanke, từng là nhà phát triển bất động sản niêm yết lớn nhất nước, cho biết lợi nhuận ròng đã giảm 46% trong năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ khi niêm yết năm 1991. Country Garden, từng là công ty xây dựng nhà ở hàng đầu quốc gia xét về doanh số, sẽ trì hoãn báo cáo kết quả hàng năm.

Sự khó khăn mà các công ty bất động sản lớn đã bước sang năm thứ tư, và tác động tiêu cực đang dần lan sang cả lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc.

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement