28/03/2024 13:51
Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại trong tháng 3
Theo một cuộc khảo sát kinh doanh do China Beige Book công bố hôm nay (28/3) cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang kết thúc quý đầu tiên một cách “mạnh mẽ”.
Trước đó, hôm 27/3, dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc tăng hàng năm 10,2% trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm 2,3% trong năm 2023.
Đây là lần đầu tiên lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng kể từ tháng 6/2022 và là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 12/2021.
"Nền kinh tế được cải thiện rõ ràng trong tháng 3 nhờ hoạt động công nghiệp tốt hơn và chi tiêu bán lẻ mạnh hơn", ông Shehzad H. Qazi, giám đốc điều hành của China Beige Book, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định trong tháng 1 và tháng 2 đánh bại mọi kỳ vọng. Số liệu trong hai tháng đầu năm thường được báo cáo cùng nhau để tính kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần.
China Beige Book cho biết họ đã khảo sát 1.436 doanh nghiệp từ ngày 1 đến ngày 23/3, phân chia rõ ràng giữa các công ty nhà nước và ngoài nhà nước.
Báo cáo cho biết: "Dữ liệu tháng 3 của China Beige Book cho thấy nền kinh tế đã sẵn sàng cho một kết thúc mạnh mẽ trong quý 1". "Tăng trưởng doanh thu đã tăng nhanh nhất vào tháng trước trong khi mức tăng giá đã thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận".
NB dự kiến sẽ công bố dữ liệu quý đầu tiên vào ngày 16/4. Đầu tháng này, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng đây là một mục tiêu đầy tham vọng dựa trên mức độ kích thích được chính phủ công bố hiện nay.
China Beige Book nhận thấy các doanh nghiệp đã rút lại khoản vay do lãi suất cao hơn, nhưng cũng nhận thấy có dấu hiệu tạm dừng ở phía cho vay.
"Các nhà quan sát thị trường phần lớn đã bỏ lỡ việc nới lỏng chính sách đáng kể mà chúng tôi đã theo dõi trong năm qua và hiện tại một số tổ chức cho vay có thể đang phanh lại", báo cáo cho biết.
Vần đề việc làm được cải thiện
Báo cáo cho biết: "Việc tuyển dụng đã ghi nhận khoảng thời gian cải thiện dài nhất kể từ cuối năm 2020", đồng thời lưu ý rằng mọi lĩnh vực ngoại trừ dịch vụ đều chứng kiến mức tăng trưởng việc làm tăng lên.
Theo báo cáo, chi tiêu bán lẻ tăng ở tất cả các phân ngành, ngoại trừ hàng xa xỉ.
Trong lĩnh vực bất động sản, báo cáo cho biết, trong khi lĩnh vực nhà ở vẫn cho thấy doanh số sụt giảm thì doanh số thương mại và xây dựng đã cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, ngành sản xuất chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng đơn đặt hàng trong nước và sản xuất từ tháng 2, nhưng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu lại giảm.
Dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư vào bất động sản đã giảm 9% trong hai tháng đầu năm so với một năm trước. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 6,3% trong thời gian đó, trong khi sản xuất tăng 9,4%.
Sự gia tăng lợi nhuận công nghiệp cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang củng cố động lực tăng trưởng vững chắc hơn trong năm nay nhờ nhu cầu nước ngoài phục hồi và chính sách kích thích của Bắc Kinh. Dù vậy, áp lực giảm phát vẫn kéo dài khi nhu cầu trong nước ảm đạm do giá bất động sản sụt giảm dai dẳng và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.
Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING, cho biết sự phục hồi của lợi nhuận công nghiệp diễn ra sau khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh 7% trong tháng 1 và tháng 2.
Điều đó gửi "một tín hiệu khác cho thấy chúng ta thực sự đang chứng kiến sự phục hồi dần dần của nền kinh tế Trung Quốc sau khi chạm đáy vào năm ngoái", Song viết trong một báo cáo.
Ông nhận định, nếu đà phục hồi tiếp tục duy trì, ngành sản xuất sẽ góp phần giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc vẫn cần đưa nhiều chính sách hỗ trợ hơn để duy trì động lực tăng trưởng và phục hồi.
(Nguồn: WSJ/CNBC))
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp