Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều nước đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19

Sức khỏe

08/07/2022 11:46

Theo các số liệu mới nhất, số ca mắc COVID-19 có sự gia tăng đáng kể tại châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước châu Á cũng đối diện với nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19.

Tính đến sáng 8/7, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 558.265.478 ca, trong đó 6.368.117 ca tử vong và 531.887.908 ca đã được chữa khỏi. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 661.260 ca nhiễm, trong đó Pháp ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất thế giới với 161.265 ca.

Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận thêm 343.658 ca, châu Á ghi nhận thêm 167.487 ca, Bắc Mỹ có thêm 88.878 ca, Nam Mỹ có thêm 2.467 ca, châu Phi có thêm 4.491 ca và châu Đại Dương có thêm 54.279 ca.

Số liệu trên cho thấy, số ca mắc COVID-19 có sự gia tăng đáng kể tại châu Âu. Trong khi đó, châu Á cũng đang đối diện với nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch COVID-19.

Tại Trung Quốc, Thủ đô Bắc Kinh của nước này đã ban hành quy định bắt buộc những người muốn vào một số địa điểm công cộng phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/7 tới. Người phát ngôn Ủy ban y tế thành phố Bắc Kinh, ông Lý Ngang (Li Ang) cho biết: "Trong quá trình bình thường hóa việc kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh".

Nhiều nước đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhật Bản thời COVID-19. Ảnh: Japan Times.

Ngày 7/7, Nhật Bản ghi nhận 47.977 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp trong tuần này số ca mắc mới vượt mốc 40.000 ca, cao gấp đôi so với một tuần trước. Trước đó, ngày 6/7, lần đầu tiên số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản vượt ngưỡng 40.000 ca kể từ ngày 18/5 năm nay với 45.821 ca. Theo phân tích ngày 30/6 vừa qua từ Ủy ban cố vấn của Bộ Y tế Nhật Bản, phần lớn số ca mắc mới có độ tuổi khoảng 30 trở xuống. Xu hướng tương tự cũng sẽ tiếp diễn tại thủ đô Tokyo trong tháng 7 này, với đa phần những người mắc bệnh ở độ tuổi 20.

Bộ Y tế Iraq ngày 6/7 thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng trở lại ở nước này, với 4.819 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ ngày 8/2. Làn sóng lây nhiễm mới ở Iraq là hậu quả khó tránh khỏi khi còn nhiều người chưa tiêm phòng dù có sẵn vaccine tại các trung tâm y tế ở thủ đô Baghdad và nhiều tỉnh thành khác. Giới chức y tế Iraq lo ngại nhiều người dân vẫn còn do dự trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, thậm chí lơ là với các quy định phòng ngừa.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong dịp nghỉ lễ Hari Raya Aidiladha vào cuối tuần này. Theo ông Khairy, lễ Hari Raya Aidilfitri vừa qua - dịp lễ lớn nhất của người Hồi giáo - đã chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh từ mốc 1.000 ca lên 3.410 ca vào ngày 12/5 do các hoạt động cộng đồng, theo ĐCSVN.

Ở một diễn biến khác, các chuyên gia tại châu Âu đang đặc biệt theo dõi BA.2.75 - dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron đang lây lan tại Ấn Độ và có thể "tránh" được phản ứng miễn dịch. Các trường hợp nhiễm biến thể BA.2.75 gần đây đã được phát hiện ở Đức, Anh, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Australia và New Zealand.

Nhiều nước đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Internet.

BA.2.75 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và các nhà nghiên cứu gọi đây là một biến thể "thế hệ thứ hai" do có nguồn gốc phát triển từ dòng phụ BA.2 thuộc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Hiện số ca nhiễm BA.2.75 trên toàn cầu còn thấp nên khó thu thập thông tin về trình tự gene của virus.

Trước tình hình các biến thể phụ của Omicron đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo TTXVN.

Tính đến tháng 2/2022, các mũi tiêm cơ bản vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước gần như được phủ kín, sau 4-6 tháng, sự miễn dịch trong cơ thể những người được tiêm chủng không còn mạnh như trước.

Kháng thể chống COVID-19 của mũi tiêm thứ 3 sẽ suy giảm đáng kể trong khoảng 15 tuần, nhất là kháng thể chống biến chủng Omicron.

Việc tiêm vaccine mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (gồm cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu: lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement