26/07/2021 17:33
Nguy cơ đứt gãy, doanh nghiệp và người lao động bị kẹt cứng giữa các luồng xanh
Việc thông thương hàng hóa đã không được đảm bảo theo cách thuận tiện, nhanh chóng nhất. Nguy cơ đứt gãy có thể xảy ra nếu tình hình không được cải thiện...
Hiện, mỗi tỉnh thành đang có những quy định khác nhau trong phòng ngừa dịch bệnh khiến doanh nghiệp quay như chong chóng. Họ phấp phỏng, bất an trên hành trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Để phòng ngừa dịch bệnh, nhiều ngày qua, Hải Phòng đã thực hiện việc giám sát gắt gao người và các phương tiện ra vào thành phố. Theo đó, những người từ vùng dịch trở về phải thực hiện cách ly, từ Hà Nội về cách ly 14 ngày, từ TP. HCM về cách ly 21 ngày.
Những tài xế điều khiển phương tiện chở hàng hóa, khi vào Hải Phòng phải có giấy xét nghiệm COVID -19 bằng phương pháp PCR. Và giấy xét nghiệm này chỉ có hiệu lực trong 48 giờ.
Các doanh nghiệp không biết xoay xở kiểu gì
Những tài xế, lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh kêu than thấu giời. Dù biết dịch bệnh nguy hiểm nhưng họ cũng không thể hình dung được, lộ trình của mình lại vất vả, khó khăn quá sức tưởng tượng như vậy.
Tình trạng ùn tắc xảy ra liên miên ở cửa ngõ thành phố. Có ngày ùn tắc khoảng hơn 10km trên quốc lộ 5A. Hàng ngàn tài xế xếp hàng chờ đợi nhiều giờ đồng hồ trong cái nắng bỏng rát của mùa hè miền Bắc.
Họ lên mạng nháo nhác hỏi nhau, đi đường nào thì thuận tiện, làm thế nào để có được tem chứng nhận luồng xanh nhanh chóng, tỉnh nào chấp nhận giấy xét nghiệm nhanh, tỉnh nào chấp nhận xét nghiệm (PCR), xét nghiệm ở đâu thì nhanh, xét nghiệm ở trung tâm nào được chấp nhận…
Cá biệt có hội nhóm tài xế container đã thử hỏi nhau, nếu bây giờ anh em mình đi lại khó khăn tới mức như thế này, mọi người nghỉ dần, nghỉ dần tới lúc không còn ai nữa, thì lấy ai chở hàng, các mặt hàng để doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất, gia công không cung cấp đủ, thì có đứt gãy chuỗi sản xuất như nhiều báo, đài lo sợ hay không?
Tất nhiên những câu hỏi họ chưa được các cơ quan chức năng giải đáp thấu đáo và thống nhất.
Anh Văn Tùng, một chủ doanh nghiệp vận chuyển có khoảng 10 xe container chở hàng hóa, nhưng nhiều ngày qua chỉ một tem luồng xanh. Việc xin cấp phép luồng xanh tốn rất nhiều giờ đồng hồ để chờ đợi, trung bình 4,5 tiếng mới xin xong. Nhưng một lần đăng ký qua mạng như vậy cũng chỉ được một xe. Và quy trình xin tem luồng xanh cho một xe tiếp theo lại phải thao tác lại từ đầu.
Trong khi đó, giấy chứng nhận âm tính chỉ có giá trị trong 48 giờ hoặc 72 giờ, tùy vào quy định của từng địa phương nơi họ đến. “Đường xá ùn tắc là thường xuyên, chờ đợi để xét nghiệm được cho tài xế cũng không đơn giản trong vài phút, thường cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Chi phí xét nghiệm không rẻ. Xăng dầu lên cao. Dừng xe phút nào trên đường là đốt xăng dầu vô ích phút ấy. Chúng tôi nếu không vì nợ ngân hàng, thì chắc nghỉ luôn cho đỡ mệt mỏi, căng thẳng chứ làm kiểu này rất stress.
Việc nghe tài xế kêu than dọc đường cũng muốn điên đầu. Một chuyến hành trình của họ bây giờ khổ sở hơn rất nhiều. Dọc đường không có cơm ăn, nước uống, không chỗ nghỉ ngơi…” Anh Tùng chia sẻ với VnEconomy trong tâm trạng bức bối.
Và tình hình mỗi lúc một xấu thêm với các doanh nghiệp phía Bắc khi Hà Nội thông báo giãn cách toàn thành phố từ ngày 24/7 theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Trong công văn mới nhất của TP Hải Phòng ngày 24/7, chính quyền thành phố này đã đưa ra quy định, sẽ cách ly tất cả những ai từ Hà Nội về Hải Phòng, thậm chí những người chỉ cần đi qua Hà Nội cũng sẽ bị cách ly đủ 14 ngày. Kể cả những người này có kết quả xét nghiệm PCR thì Hải Phòng cũng sẽ xem xét từng trường hợp chứ không nói rõ là bất kỳ ai có kết quả âm tính với COVID -19 cũng sẽ được vào Hải Phòng.
Hải Phòng cũng không nói rõ, những tài xế chuyên chở hàng thiết yếu theo luồng xanh khi về Hải Phòng, có giấy xét nghiệm PCR chứng minh âm tính với COVID -19 sẽ không bị cách ly.
Nhìn vào công văn này, các doanh nghiệp không biết xoay xở kiểu gì cho đúng. Và nếu phải đi cách ly, thì doanh nghiệp có gánh được chi phí hay không? Xung quanh họ đã và đang có quá nhiều loại chi phí bủa vây kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Tại Quảng Ninh, tỉnh này thậm chí còn làm “gắt” hơn Hải Phòng. Bắt đầu đợt dịch COVID bùng phát tại Bắc Giang, Bắc Ninh thì Quảng Ninh đã nhiều lần thay đổi các biện pháp chống dịch theo hướng chặt chẽ hơn từng ngày.
Quảng Ninh không chấp nhận xét nghiệm, cũng không chấp nhận cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID. Theo lãnh đạo tỉnh, tiêm vaccine chỉ có tác dụng bảo vệ người tiêm còn cộng đồng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm, nên đã tiêm vaccine thì vẫn phải làm xét nghiệm PCR để chứng minh âm tính.
Đây là những điều kiện tiên quyết để "nhập cảnh" vào vùng than. Nếu không chấp hành yêu cầu thì mời người điều khiển phương tiện quay đầu.
Quyết liệt phòng chống dịch nhưng không cực đoan
Có thể nói, đợt dịch này cho thấy, giữa chủ trương "không ngăn sông cấm chợ" của Chính phủ và chính sách chống dịch của nhiều tỉnh thành đang có độ vênh khá lớn. Những quy định quá khác biệt đang khiến doanh nghiệp vận chuyển giống như cá mắc cạn.
“Bơi” đường nào thì cũng gặp khó khăn, trợ ngại quá lớn, tỉnh nào cũng e ngại nếu để tài xế vào địa phương mình, không kiểm soát được thì dịch bệnh sẽ bùng lên, sẽ không thể kiểm soát…
Tam giác kinh tế trọng điểm của phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh ít ngày qua đang có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Thậm chí nguy cơ đứt gãy có thể lan rộng hơn khi các tỉnh thành khác cũng áp dụng những biện pháp tương tự như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.
Phương châm chống dịch của Việt Nam là chống bằng "hai chân", có nghĩa là vừa tổ chức ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh và phải đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế. Đây là mục tiêu xuyên suốt, chưa từng thay đổi kể từ khi COVID xuất hiện và bùng phát tại nước ta. Nhưng từ khi dịch bùng phát lần 4, nhiều tỉnh đang chấp nhận đi một chân, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy đến.
Việc một chốt kiểm dịch tại phía Nam không chấp nhận cho xe chở tiền của ngân hàng đi qua, vì "tiền không phải hàng hóa thiết yếu" đang cho thấy, việc triển khai các quy định về chống dịch đang có vấn đề. Nếu tư duy này lan rộng, sức đề kháng của nền kinh tế sẽ yếu đi mỗi ngày. Kinh tế yếu dần, chúng ta sẽ không còn đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến dài hơi và khốc liệt với COVID -19.
Trong phiên họp Quốc hội ngày 25/7, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) bày tỏ lo lắng khi hiện nay, do bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch rất khác nhau.
"Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết. Nhưng nếu như sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa và con người. Ngay lúc này, trên các tuyến đường quốc lộ vẫn đang ùn tắc hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này nhằm giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng việc áp dụng những biện pháp thái quá sẽ gây khó khăn cho đời sống người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Bà dẫn chứng: "Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy chứng nhận an toàn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm tra qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng, nơi cần dỡ hàng ra thì lại không được thông qua nên buộc phải quay đầu vì mỗi tỉnh một quy định".
Loay hoay mà không biết kêu ai
“Cả nước như một cơ thể sống, có hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì có những chỗ bị bệnh mà cắt rời. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gẫy nền kinh tế,” Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn bày tỏ quan điểm.
Thực tế, câu chuyện hàng hóa ùn tắc không thể lưu thông mới. Mặc dù doanh nghiệp, người lao động đã lên tiếng, báo chí phản ánh nhưng đến nay, việc xử lý các quy định chồng chéo, không thống nhất giữa các địa phương vẫn còn tồn tại.
Trước những bất cập rất lớn đang bộc lộ, cần phải nhìn nhận một cách khách quan, ở đợt dịch lần này, dường như tất cả đã ở vào thế bị động. Chúng ta đã không có kịch bản tốt nhất, phù hợp và hiệu quả nhất để hàng hóa được lưu thông ổn định, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế.
Khi tất cả các giải pháp đều được đề xuất để chạy theo phía sau dịch bệnh, và giữa các tỉnh thành không có được sự thống nhất cao, doanh nghiệp và người lao động trở thành đối tượng bị tác động mạnh nhất, thiệt hại nhiều nhất, họ loay hoay mà không biết kêu ai.
“Chỉ riêng tiền xét nghiệm cho tài xế, cứ 3 ngày một cữ. Đó là chi phí quá lớn và quan trọng là tốn thời gian kinh khủng. Nhưng vẫn phải chấp nhận làm. Cho tài xế đi test Covid xong, về cả công ty lo ngay ngáy, chỗ làm xét nghiệm luôn đông đúc, một người dương tính thì đóng cửa cả công ty.
Chẳng biết cầm cự được bao lâu nữa. Đăng ký để được tiêm vaccine cho tài xế mãi cũng chưa được tiêm. Mà nếu tiêm xong, như vào Quảng Ninh hay đi các tỉnh khác nữa, cũng chưa chắc được chấp nhận. Nói chung làm ăn trong giai đoạn này rất chán”, anh Quang Hưng, một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội than thở.
Mặc dù các cơ quan chức năng như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công thương, đã tìm nhiều giải pháp để mong khơi thông hàng hóa, ít nhất là luồng xanh, thì những bất cập vẫn xuất hiện ở rất nhiều nơi.
Bằng chứng rõ ràng nhất là các dòng phương tiện dài dằng dặc ở các cửa ngõ Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… trong những ngày qua.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp