05/04/2024 12:29
Người nhập cư làm giàu cho kinh tế Mỹ với tốc độ 'chóng mặt'
Những người nhập cư Mỹ Latinh đang bắt đầu kinh doanh với tỷ lệ cao hơn gấp đôi dân số Mỹ nói chung. Đối với họ, tinh thần kinh doanh là yếu tố cần thiết khi mà trình độ tiếng Anh hạn chế khiến mọi người khó có thể tìm được việc làm.
Theo một phân tích mới từ dữ liệu của Cục Điều tra Dân số, sự tăng vọt trong tinh thần kinh doanh của người Mỹ Latinh đã thúc đẩy tỉ lệ doanh nghiệp mới thuộc sở hữu của người nhập cư vào Mỹ, những người chiếm 36% số doanh nghiệp mới mở vào năm ngoái so với 25% vào năm 2019. Hoạt động kinh doanh mới của người Mỹ da trắng và người Mỹ bản địa đã chậm lại trong 2 năm qua, sau đại dịch.
Daisy Vivas từng làm nha sĩ ở Venezuela và sau đó là trợ lý nha khoa khi chuyển đến Mỹ vào năm 2016. Bà mất việc trong thời gian xảy ra đại dịch và đã thành lập Venezuela Food cùng với chồng là Wilmer Vera, người từng làm việc trong một nhà máy sản xuất cửa kính. Cặp đôi đã sử dụng số tiền tiết kiệm được là 5.000 USD và một khoản trợ cấp nhỏ để mua một chiếc lều, một bếp ga và thiết bị nhà bếp.
Vivas và gia đình hiện làm các món ăn bản địa để bán ở chợ nông sản và các sự kiện khác. Cô con gái Maria Grecia 18 tuổi của bà, người thiết kế mái lều, xử lý thủ tục giấy tờ và làm phiên dịch, cho biết: "Không có ai khác làm đồ ăn Venezuela". Và cho biết thêm mục tiêu của gia đình là mở một nhà hàng.
Maria Grecia đang phục vụ bánh Arepas là một trong những món ăn được Venezuela Food bán tại chợ nông sản và các sự kiện khác. Ảnh: WSJ
Hoạt động kinh doanh thuộc mọi loại hình đã bùng nổ vào năm 2020 khi COVID-19 khiến mọi người có nhiều thời gian hơn và có nhiều ưu tiên khác nhau, đồng thời những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đã tạo ra cơ hội kinh doanh.
Robert Fairlie, nhà kinh tế tại Đại học California, cho biết một lý do khiến những người nhập cư Mỹ Latinh duy trì động lực kinh doanh của họ là vì nhiều trong số các doanh nghiệp họ mở nằm trong lĩnh vực dịch vụ, thực phẩm và giao hàng, những lĩnh vực có nhu cầu gia tăng kể từ khi đại dịch bùng phát.
Đối với nhiều người nhập cư, tinh thần kinh doanh là một yếu tố cần thiết khi mà trình độ tiếng Anh hạn chế khiến họ khó có thể tìm được việc làm, trong khi bằng cấp được cấp bên ngoài nước Mỹ thường không dễ dàng mang đến cho họ cơ hội nghề nghiệp.
Theo một phân tích của Sáng kiến Doanh nhân Latinh Stanford, nơi nghiên cứu các doanh nghiệp có nhân viên và doanh thu ít nhất 10.000 USD, khoảng một nửa số chủ doanh nghiệp người Latinh là người nhập cư, so với 7% chủ doanh nghiệp da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Thực phẩm là sự lựa chọn hiển nhiên của nhiều doanh nhân nhập cư vì nó đòi hỏi vốn đầu tư hoặc trình độ tiếng Anh ở mức tối thiểu với thời gian làm việc linh hoạt. Những người nhập cư thường háo hức với những món ăn khiến họ nhớ về quê hương.
Evelyn Gutierrez mở quán cà phê Mi Cafesito đầu tiên ở Fresno, California, vào năm 2021, lấy cảm hứng từ kế hoạch kinh doanh mà con trai bà đã lập trên lớp. Bản thân không phải là người uống cà phê, bà Gutierrez đã theo học một trường dạy pha chế cà phê kéo dài 2 tuần, nơi những người hướng dẫn nói với bà rằng tất cả những loại cà phê ngon nhất đều được trồng ở châu Phi.
Bà quyết định sẽ tập trung vào cà phê từ Mỹ Latinh để chứng minh họ đã sai. Hiện bà điều hành 2 cửa hàng, chủ yếu là nhân viên trong gia đình và bán cà phê làm từ hạt được trồng ở Mỹ Latinh và đồ uống lấy cảm hứng từ Mexico.
Trong khi các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Latinh chủ yếu là hoạt động vừa và nhỏ, cũng có một số công ty được hậu thuẫn bởi quỹ mạo hiểm.
Theo Crunchbase, các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ vốn mạo hiểm với những người sáng lập gốc Tây Ban Nha có xu hướng tập trung vào các dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, thương mại và mua sắm, ước tính rằng các công ty này nhận được ít hơn 5% vốn đầu tư mạo hiểm.
MiSalud Health có trụ sở tại Palo Alto, California cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do người sử dụng lao động cung cấp cho nhân viên nói tiếng Tây Ban Nha trong các ngành như khách sạn, nông nghiệp và xây dựng. Công ty 3 tuổi này đã huy động được 9 triệu USD tài trợ giai đoạn đầu.
Tuy nhiên thì việc tiếp cận vốn vẫn là một thách thức chung. Theo dữ liệu từ Khảo sát tín dụng doanh nghiệp nhỏ của Cục Dự trữ Liên bang năm 2022, 42% công ty khởi nghiệp có chủ sở hữu là người gốc Tây Ban Nha bị từ chối cấp tín dụng, so với 25% công ty khởi nghiệp có chủ sở hữu là người da trắng
Nghiên cứu cho thấy, các công ty khởi nghiệp gốc Tây Ban Nha cũng có quy mô nhỏ hơn, với 46% báo cáo doanh thu hàng năm trên 100.000 USD so với 62% các công ty thuộc sở hữu của người da trắng.
(Nguồn: WSJ)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement