21/09/2021 16:33
Người dân xét nghiệm COVID-19 nhận nhanh kết quả trên hệ thống trực tuyến
Phần mềm quản lý xét nghiệm của hệ thống y tế công nghệ “Việt Nam khoẻ mạnh”, được phát triển với sự tham gia của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế). Người dân xét nghiệm COVID-19 nhận nhanh kết quả trên hệ thống trực tuyến.
Cụ thể, nền tảng y tế công nghệ này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu từ các hệ thống tiên tiến trong công tác phòng chống COVID-19 thành công của một số quốc gia châu Á.
“Việt Nam khoẻ mạnh” nhận được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia của Tập đoàn Gov Tech. Đồng thời, phân hệ quản lý xét nghiệm, vaccine của Tập đoàn Intelisys (Canada) cũng được tối ưu theo nhu cầu thực tế tại Việt Nam.
Việc vận hành đơn giản, người dân tham gia xét nghiệm nhận nhanh kết quả trên hệ thống trực tuyến. Nhân viên y tế có danh sách tự động, không mất thời gian nhập liệu. Chính quyền các phường, xã, nhận thông tin báo cáo tự động, kịp thời về tình trạng F0.
Với việc truy cập và thực hiện thao tác đơn giản tại website xn.yte.gov.vn hoặc vietnamkhoemanh.vn, người dân có thể khai báo y tế, đăng ký xét nghiệm cho cá nhân, nhóm hoặc gia đình. Website quản lý đồng bộ và toàn diện tạo ra các điểm xét nghiệm để người dân dễ dàng chọn địa điểm, thời gian thuận tiện.
Sau khi đăng ký, hệ thống sẽ trả mã QR về điện thoại để người dân đối chiếu với nhân viên y tế tại điểm xét nghiệm, giúp giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục.
Sau khi lấy mẫu, kết quả được gửi cho người dân (theo mẫu quy định) trên website của hệ thống hoặc email đã đăng ký. Kết quả có QR code lưu giữ lịch sử với đầy đủ thông tin, theo zing.vn.
Ngoài ra, công tác xét nghiệm mẫu gộp 5-10 mẫu, quay vòng các nhóm để có thể xét nghiệm nhanh và toàn diện cho 80-100% dân số. Theo tính toán với nhóm khoảng 10 người, chi phí xét nghiệm này cho mỗi người trong nhóm hoặc gia đình vào khoảng 250.000/tháng, giúp tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước và người dân.
Đối với cán bộ y tế, hệ thống y tế công nghệ này giúp giảm tải trong khâu lập danh sách, nhập dữ liệu xét nghiệm. Trước đây, người dân đến điểm xét nghiệm mới làm thủ tục trên giấy, nhân viên y tế nhập liệu thủ công mất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót.
Phần mềm này giúp quy trình tổ chức xét nghiệm nhanh, chính xác, trả kết quả tự động cho người dân, giảm gánh nặng nhân lực y tế.
Các thông tin đều trực quan, nhanh chóng. Dữ liệu được phân loại từ độ tuổi, giới tính. Hệ thống dữ liệu được đồng bộ, có thể truy xuất theo thời gian thực, lập báo cáo và phân tích, dự báo kịp thời, chính xác. Điều này giúp các cơ quan quản lý dễ dàng cập nhật, không còn các công đoạn giấy tờ thủ công.
Phần mềm quản lý xét nghiệm “Việt Nam khoẻ mạnh” ghi nhận kết quả tích cực tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Trong 6 giờ (14h -20h ngày 19/8) có hơn 18.000 lượt đăng ký đại diện cho gần 90.000 nhân khẩu. Trong 2 ngày xét nghiệm 20 và 21/8 tại 14 phường/xã, có 35.943 mẫu đại diện cho 130.042 nhân khẩu của thành phố.
Đến nay, toàn bộ tỉnh Bến Tre thực hiện xét nghiệm đồng loạt nhiều vòng, cách nhau mỗi 72 giờ, cho 273.636 mẫu đại diện cho hơn 1 triệu nhân khẩu. 157 phường, xã tại Bến Tre bắt đầu trạng thái bình thường mới theo Chỉ thị 15 với giấy thông hành cho người dân là QR code xét nghiệm âm tính mẫu gộp và mẫu đại diện các nhóm cư dân, hộ gia đình.
UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn liên quan đến việc quản lý kết quả xét nghiệm của shipper bằng công nghệ. Việc thực hiện xét nghiệm cho shipper ở các trạm y tế lưu động sẽ diễn ra đến hết 21/9/2021.
Từ ngày 22 - 29/9, các doanh nghiệp và shipper tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp, hoặc sử dụng ứng dụng do Sở TT-TT hướng dẫn.
Về bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp, trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/1 lần. Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công Thương. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Từ ngày 24 đến 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào khu dữ liệu dùng chung của TP.HCM theo hướng dẫn của Sở TT-TT.
UBND TP.HCM giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Trường hợp các shipper không đáp ứng được điều kiện sẽ không được tham gia hoạt động.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp