23/03/2023 14:16
Ngân hàng Thế giới cho biết Ukraina cần ít nhất 411 tỷ USD để tái thiết đất nước
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã ước tính, Ukraina sẽ tiêu tốn 411 tỷ USD trong 10 năm tới để phục hồi và xây dựng lại sau cuộc chiến với Nga, riêng chi phí dọn dẹp các đống đổ nát từ các thị trấn và thành phố bị tàn phá đã lên tới 5 tỷ USD.
Báo cáo được công bố hôm thứ Tư (23/3) nói rằng, các ước tính "nên được coi là mức tối thiểu vì nhu cầu sẽ tiếp tục tăng chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn".
Được thực hiện bởi chính phủ Ukraina, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Châu Âu và Liên Hợp Quốc, đánh giá này cao hơn con số 349 tỷ USD ước tính trong một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 9/2022.
Báo cáo nêu chi tiết một số thiệt hại về kinh tế và con người trong cuộc chiến với Nga, bao gồm gần 2 triệu ngôi nhà, hơn 1/5 cơ sở y tế công cộng bị hư hại; 650 xe cứu thương bị hư hỏng hoặc bị lấy đi và ít nhất 9.655 thường dân được xác nhận đã chết, trong đó có 461 trẻ em.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách châu Âu và Trung Á Anna Bjerde cho biết, quá trình tái thiết Ukraina sẽ "mất vài năm".
Báo cáo tính toán 135 tỷ USD thiệt hại trực tiếp đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng cho đến nay, không tính đến hậu quả kinh tế rộng lớn hơn từ cuộc xung đột kéo dài hơn một năm.
Nhưng thiệt hại có thể còn tồi tệ hơn nếu không có sự phòng thủ của lực lượng Ukraina, lực lượng đã góp phần ngăn chặn sự tàn phá ở các khu vực tiền tuyến như Donetsk, Kharkiv, Luhansk và Kherson, Bjerde cho biết trong một cuộc gọi với các phóng viên.
Bản đánh giá dự kiến Kyiv sẽ cần 14 tỷ USD cho việc tái thiết các lĩnh vực quan trọng và ưu tiên cũng như các khoản đầu tư phục hồi chỉ riêng trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết hôm thứ Ba rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Ukraina về gói tài chính 4 năm trị giá khoảng 15,6 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới cho biết vào tháng Hai, bất chấp sự tấn công dữ dội của Nga, Ukraina vẫn tiếp tục duy trì các dịch vụ công thiết yếu, bao gồm mở cửa trường học và bệnh viện, trả lương cho giáo viên và công chức cũng như trả lương hưu.
"Việc hỗ trợ các dịch vụ quan trọng này tiếp tục là ưu tiên hàng đầu và Ukraina cần khoảng 3-4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì chúng", Bjerde cho biết vào thời điểm đó.
Cuộc chiến đã khiến hàng triệu người Ukraina phải đi lánh nạn ở nước ngoài. Giá lương thực và năng lượng toàn cầu cũng tăng do chiến tranh.
Cho đến nay, Ngân hàng Thế giới cho biết, cuộc của Nga đã hủy bỏ 15 năm tiến bộ kinh tế ở Ukraina, cắt giảm 29% tổng sản phẩm quốc nội và đẩy 1,7 triệu người Ukraina vào cảnh nghèo đói.
Báo cáo cho biết điều cần thiết là phải duy trì hoạt động của chính phủ Ukraina, khu vực doanh nghiệp tư nhân và các nỗ lực phục hồi ngay cả trong bối cảnh các cuộc tấn công và giao tranh ác liệt ở miền Đông đất nước. Ngân hàng này cho biết, việc Ukraina hoãn tái thiết có nguy cơ khiến đất nước "rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng và đối mặt với những thách thức xã hội to lớn sau khi chiến tranh kết thúc".
Ngành năng lượng của Ukraina gần đây đã chứng kiến sự gia tăng thiệt hại lớn nhất do các cuộc tấn công có chủ đích của Nga vào lưới điện và các trung tâm năng lượng khác trong mùa Đông nhằm khiến người dân Ukraina và giới lãnh đạo ở Kiev phải khuất phục.
Ngân hàng Thế giới cho biết, tổng thiệt hại đối với ngành năng lượng hiện cao gấp 5 lần so với mùa hè năm ngoái.
"Cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà ở, cơ sở hạ tầng quan trọng, kinh tế và rà phá bom mìn là năm ưu tiên của chúng tôi trong năm nay", Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Thủ tướng Shmyhal cũng cảnh báo rằng "số lượng thiệt hại và nhu cầu phục hồi hiện không bao gồm dữ liệu về thiệt hại cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở kinh doanh tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng".
Ông cho biết chính quyền Ukraina sẽ bắt đầu công việc phục hồi ở những vùng lãnh thổ này khi chúng được giải phóng.
(Nguồn: Al Jazeera)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement