27/12/2023 22:31
Nga xuất khẩu 90% dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ
Nga đã thành công trong việc chuyển hướng xuất khẩu dầu thô từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai thị trường này chiếm khoảng 90% xuất khẩu dầu thô của Nga.
Alexander Novak, Phó thủ tướng và là người phụ trách lĩnh vực năng lượng của nước này, nói với đài truyền hình nhà nước Rossiya-24 của Nga rằng Moscow đã bắt đầu củng cố mối quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương trước khi phương Tây áp lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự ở Ukraina.
Ông khẳng định nhiều nước cũng quan tâm đến việc mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, trong đó có các quốc gia Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương.
"Những hạn chế và cấm vận chỉ đẩy nhanh quá trình tái định tuyến dòng năng lượng của chúng tôi", ông Novak nói. Các đối tác chính hiện nay của Nga là Trung Quốc, thị phần đã tăng lên khoảng 45 - 50% và Ấn Độ, cũng đã trở thành quốc gia nhập khẩu "vàng đen" hàng đầu của Nga.
Thị phần của châu Âu trong xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm từ 40 - 45% xuống còn khoảng 4 - 5%.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong tháng 11 khi Bắc Kinh nhập khẩu khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ vào tháng 11 tăng vọt lên 1,6 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong 4 tháng.
Phát biểu về nhóm các nhà sản xuất dầu hàng đầu OPEC+, ông Novak cho biết Nga đang tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm nguồn cung và dự đoán giá dầu Brent ở mức 80 - 85 USD/thùng vào năm tới.
Trong năm 2023, Nga đã vận chuyển 1,5 triệu tấn dầu qua tuyến đường Biển Bắc. Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh đây là tuyến đường vận chuyển mạng lại nhiều lợi nhuận, ngắn hơn các tuyến đường truyền thống như Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.
Tháng trước, Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Arctic LNG 2, dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Công ty Novatek của Nga.
Quyết định của Mỹ đã khiến nhiều tập đoàn dầu khí lớn của thế giới rút khỏi dự án LNG 2 Bắc Cực của Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với cơ sở này. Nga hiện là nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Qatar và Úc.
Ngày 27/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án khí đốt Bắc Cực của Nga là không thể chấp nhận được và làm tổn hại an ninh năng lượng toàn cầu.
Biện pháp áp trần giá với dầu Nga của phương Tây được cho là một cách khiến Moscow bị giảm doanh thu từ dầu mỏ mà không làm giá năng lượng toàn cầu tăng đột biến. Tuy nhiên, kế hoạch này lại dẫn đến "tác dụng phụ" là việc định hình lại cơ cấu tài chính của thương mại dầu mỏ và hàng hải.
Một số chuyên gia cảnh báo, xu hướng này sẽ khó có thể đảo ngược ngay cả khi cuộc xung đột Nga-Ukraina kết thúc, hoặc sau khi các lệnh trừng phạt hiện tại được dỡ bỏ.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp