09/02/2023 14:35
Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).
Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Năng suất lao động được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).
Năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).
Giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động của Việt Nam luôn có xu hướng tăng, trong đó năm 2012 có tốc độ tăng thấp nhất (3,17%) và năm 2015 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,83%).
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 4,53%. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tốc độ tăng năng suất lao động chậm lại, nhưng vẫn đạt gần 5%.
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt 6,05%, cao hơn tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 1,52 điểm phần trăm và vượt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%".
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Đây là kết quả thể hiện thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nỗ lực phấn đấu nâng cao năng suất lao động.
Dù đã được cải thiện, nhưng theo Tổng cục Thống kê, mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.
Tính theo PPP (sức mua tương đương) 2017 năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippine.
"Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần)" - Tổng cục Thống kê nhận định.
Tổng cục Thống kê nhận định, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế, thay vào đó nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ giải quyết bài toán về tăng năng suất lao động cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá, theo TPO.
Về cơ chế, chính sách, Tổng cục Thống kê đề xuất cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, có chính sách phát triển khoa học công nghệ, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tháo gỡ rào cản tài chính đối với doanh nghiệp, chính sách tiền lương, tiền công, giáo dục, đào tạo.
Với doanh nghiệp, thực trạng năng suất lao động như hiện nay sẽ là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp có thể đứng vững và cạnh tranh trên thị trường với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp cần xác định mô hình sản xuất phù hợp, hoàn thiện giá trị sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ.
Còn người lao động cần nâng cao ý thức, kỷ luật, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ học vấn. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải...
Ý nghĩa của tăng năng suất lao động đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement