27/06/2023 12:13
Mỹ chi hơn 42 tỷ USD phổ cập Internet trên toàn quốc
Ngày 26/6, Nhà Trắng phân bổ 42,45 tỷ USD cho 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ trên khắp nước Mỹ nhằm phổ cập Internet băng thông rộng vào năm 2030 trong bối cảnh chiến dịch tranh cử mới của Tổng thống Joe Biden khởi động.
Khoản đầu tư hơn 42 tỷ USD này tới từ Chương trình Triển khai và Tiếp cận Công bằng Băng thông rộng và được ủy quyền theo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD mà ông Joe Biden ủng hộ năm 2021.
Theo Reuters, khoản chi tiêu mở rộng Internet sẽ dựa trên bản đồ phạm vi phủ sóng mới được phát hành của Ủy ban Truyền thông Liên bang, trong đó nêu chi tiết các khoảng cách trong quyền truy cập Internet ở mỗi khu vực.
Texas và California – hai tiểu bang đông dân nhất Mỹ, đứng đầu danh sách tài trợ với lần lượt là 3,1 tỷ USD và 1,9 tỷ USD.
Các bang khác cùng nằm trong top 10 tài trợ do thiếu truy cập băng thông rộng là các bang ít dân cư hơn như Virginia, Alabama và Louisiana. Nguyên nhân là do các tiểu bang này đều sở hữu các khu vực nông thôn rộng lớn với ít kết nối internet hơn so với các thành phố lớn.
Các tiểu bang dự kiến sẽ đệ trình các kế hoạch ban đầu vào cuối năm nay và sẽ đạt được 20% số tiền tài trợ. Sau khi các kế hoạch được hoàn thiện, có khả năng sẽ kéo dài đến năm 2025, chính phủ sẽ giải ngân số tiền còn lại.
Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm đầu tuần, Tổng thống Joe Biden nhận định: "Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào Internet tốc độ cao từ trước đến nay. Để nền kinh tế ngày nay có thể phục vụ cho tất cả mọi người, truy cập internet cũng quan trọng như điện, nước hoặc các dịch vụ cơ bản khác".
Tuyên bố phổ cập Internet được đưa ra trong bối cảnh chuyến công du của ông Biden mở ra chặng thứ hai.
Nó góp phần thể hiện cách các điều luật được thông qua thế nào khi Đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội và cách chúng ảnh hưởng đến những người Mỹ bình thường khi cuộc tái tranh cử năm 2024 của ông Biden bắt đầu.
Là một phần của chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng chuẩn bị thực hiện một bài phát biểu kinh tế lớn ngày 28/6 tới tại Chicago, đưa ra nền tảng cho chính sách kinh tế được gọi là "Bidenomics", theo một bản ghi nhớ ngày 26/6 từ các cố vấn cấp cao Anita Dunn và Mike Donilon cho đảng Dân chủ và các đồng minh khác.
Cuộc bầu cử năm 2024 một phần sẽ được coi là cuộc trưng cầu dân ý về việc điều hành nền kinh tế của ông Biden. Tạo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thấp là những mặt tích cực trong khi lạm phát tăng cao và tác động dây chuyền của lãi suất cao hơn đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters/Ipsos được thực hiện vào đầu tháng này, hơn một nửa, 54% người Mỹ không tán thành cách ông Biden giao việc, trong khi chỉ 35% số người được hỏi tán thành cách quản lý nền kinh tế của ông. Đảng Dân chủ đã mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Trên thực tế, số liệu chính thức của chính phủ Mỹ ước tính có khoảng 8,5 triệu địa điểm trên khắp quốc gia này đang thiếu quyền truy cập vào các kết nối băng thông rộng.
Các công ty lớn trong ngành như Verizon, Comcast, Charter Communications hay AT&T vốn rất miễn cưỡng trong việc cung cấp quyền truy cập Internet cho các cộng đồng nông thôn, dân số thấp do đầu tư tốn kém trong khi không cung cấp được nhiều thuê bao, dẫn tới lợi nhuận không cao.
Việc thiếu truy cập băng thông rộng đã thu hút sự chú ý trong thời gian ngừng hoạt động của COVID-19 buộc học sinh phải học trực tuyến.
Các tiểu bang dự kiến sẽ đệ trình các kế hoạch ban đầu vào cuối năm nay sẽ mở khóa 20% số tiền tài trợ. Sau khi các kế hoạch được hoàn thành, có thể kéo dài đến năm 2025, chính phủ sẽ giải ngân số tiền còn lại.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement