14/12/2023 16:39
Món cá yêu thích của người Thái đang dần biến mất
Được yêu thích như một món ăn nhiều thịt, giá cả phải chăng trong ẩm thực Thái Lan, món 'pla too' chứa đầy protein từng rất phong phú ở Vịnh Thái Lan. Nhưng 5 năm sản lượng thấp kỷ lục do đánh bắt quá mức, khí hậu thay đổi và nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với hải sản Thái Lan đang gây ra hậu quả.
Nguồn lợi thủy hải sản
Ở "Bay of Abundance" (Vịnh Thái Lan), loài cá yêu thích của Thái Lan đã biến mất. Cách đó khoảng 200 km về phía tây, những người buôn cá nổi tiếng ở Mae Klong đã chuyển sang Indonesia để giải quyết tình trạng thiếu hụt, khi các nhà khoa học biển cảnh báo rằng trữ lượng cá pla too (cá thu) có thể sắp cạn kiệt.
Thái Lan là nước xuất khẩu cá và hải sản lớn thứ sáu thế giới, với thị trường nội địa dường như không thể đáp ứng đủ.
Nhưng khi nhiệt độ nước biển tăng lên và các kiểu thời tiết khắc nghiệt làm đảo lộn các dòng hải lưu, áp lực cũng tăng lên hệ sinh thái biển, khiến quần thể cá thu ăn sinh vật phù du bị sụt giảm.
Ngư dân Thái Lan cho biết sản lượng đánh bắt hàng năm của họ hiện chỉ bằng 2/3 so với 30 năm trước, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiêm trọng của loài cá này.
Theo các nhà khoa học, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, loài cá này ngày càng nhỏ hơn và sinh sản sớm hơn. Đây là câu chuyện về một loài cá đang bị thu hẹp lại, một quốc gia phải dựa vào nó và chỉ còn rất ít thời gian để cứu loài này.
Amornsak Panyacharoensri - một ngư dân thế hệ thứ ba và chủ tịch Hiệp hội đánh cá ven biển Chonburi cho biết: "Khi tôi còn nhỏ, biển tràn đầy sức sống. Chúng tôi thường đi bộ xuống biển chỉ với một chiếc đèn bão và có thể dễ dàng bắt được hàng đống cá thu".
Những con cua xanh lớn, cá mú và cá đối bị thu hút bởi ánh sáng và có thể được bắt chỉ bằng một nắm, Amornsak nhớ lại, khi tự hào về danh tiếng của vịnh mình về cá và dồi dào hải sản ngon.
Nhưng giờ đây, vùng biển từng rất đẹp với tầm nhìn rộng mở không bị cản trở đã trở thành một cơ sở công nghiệp, các tàu đánh cá lớn hoạt động xa bờ vài km đã thu được hầu hết lượng hải sản, trong khi người dân đánh bắt nhỏ địa phương đang tranh giành nhau nguồn hải sản còn lại gần bờ.
"Nhu cầu đối với cá của chúng tôi đến từ khắp mọi nơi, từ nội địa đến toàn cầu và bây giờ sự cân bằng đã mất, nó nằm ngoài tầm kiểm soát", ông trầm ngâm.
Chonburi là một trụ cột trong Hành lang kinh tế phía Đông được quảng cáo rầm rộ của Thái Lan, một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD nhằm biến quốc gia Đông Nam Á này thành một trung tâm hậu cần về hàng không.
Nhịp điệu tự nhiên bị gián đoạn
"Nơi sinh sản ưa thích của chúng là ở Chonburi. Sau khi đẻ trứng ở Chonburi, chúng sẽ quay trở lại nơi sinh sản ban đầu và lặp lại chu kỳ hàng năm", Amornsak nói.
Theo số liệu thống kê chính thức từ Cục Thủy sản Thái Lan, 5 năm qua đã chứng kiến sản lượng khai thác cá thu thấp kỷ lục, chạm mức thấp nhất vào năm 2018 với chỉ 11.000 tấn cá đánh bắt được.
Sản lượng của năm ngoái tốt hơn một chút, đạt được 32.000 tấn, nhưng vẫn kém xa so với 136.000 tấn đánh bắt được trong năm 2011 và 128.000 tấn ba năm sau đó.
Để giúp trữ lượng phục hồi và cho phép cá trưởng thành trước khi chúng lọt vào lưới của ngư dân, Bộ Thủy sản đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài hàng tháng ở các khu vực ven biển bên trong Vịnh. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt hàng năm vẫn giảm bất chấp những nỗ lực này.
Năm nay, lệnh cấm đánh bắt cá được áp dụng ở miền Nam từ tháng 6 đến tháng 8, và sau đó dọc theo các tỉnh ven biển về phía bắc từ tháng 8 đến tháng 9 để tạo tạo ra sự phục hồi trữ lượng các loài sinh vật biển.
Còn quá sớm để nói liệu lệnh cấm mở rộng có hiệu quả hay không vì vẫn chưa có dữ liệu được công bố về tác động của nó. Tuy nhiên, ngư dân cho rằng lưới trống của họ cho thấy nhiều sự thất vọng sắp xảy đến.
Càng ngày càng nhỏ
Nhiều thập kỷ trước, cá thu sẽ trưởng thành lần đầu tiên, hay tuổi sinh sản khi chúng đạt chiều dài 20 cm-30 cm. Qua nhiều năm, con số đó giảm dần xuống còn 16cm.
Và bây giờ, nó chỉ còn dài 13cm, phản ánh quá trình chọn lọc tự nhiên "khá đáng sợ" mà loài cá đã trải qua để sinh tồn, theo nhà khoa học biển Jes Kettratad của Đại học Chulalongkorn.
Ông nói: "Cá nhỏ hơn có nghĩa là chúng phải sinh sản ở độ tuổi trẻ hơn. Nhiệt độ nước biển ấm hơn và mô hình gió và mưa thay đổi do biến đổi khí hậu có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sắp xếp lại vòng đời của cá thu".
Quỹ đạo ảm đạm đó sẽ có tác động tai hại đến hàng trăm nghìn người hiện đang làm việc trong ngành công nghiệp đánh bắt, từ ngư dân và người bán cá cho đến những người làm giỏ tre ở khắp nơi trên thị trường Thái Lan.
Đó cũng không phải là điềm lành cho những cư dân còn lại của biển cả.
"Cá thu ăn cá nhỏ hơn và bị cá lớn hơn ăn. Chúng ở giữa chuỗi thức ăn. Nếu nguồn cung cấp cá thu giảm, các loài cá khác ăn chúng như cá hoàng hậu khổng lồ hay cá mú sẽ giảm theo vì chúng không có thức ăn", Amornsak giải thích.
Với việc quần thể cá thu thân ngắn ngày càng cạn kiệt, ngư dân Thái Lan ngày càng phải tìm kiếm sâu hơn trong chuỗi thức ăn để tìm nguồn protein mới.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của chính phủ, việc tạm dừng đánh bắt cá không phải là một lựa chọn ở một đất nước nơi nghề cá chiếm hơn 2 triệu người, đóng góp 3,45 tỷ USD mỗi năm vào tổng sản phẩm quốc nội và chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành này cũng đang tìm cách vượt qua lịch sử đau thương gần đây sau khi dính phải vụ bê bối nô lệ trên biển vào năm 2015 và được Liên minh châu Âu xác định là điểm nóng đánh bắt quá mức.
Điều đó đã dẫn đến một cuộc thanh lọc "tận ngọn" đối với ngành đánh bắt cá, trong đó chính quyền quân sự khi đó đẩy mạnh việc đăng ký thuyền viên và truy tìm sản lượng đánh bắt được thực hiện bởi các tàu mang cờ Thái Lan.
Để đối phó với những hành động này, ngành đánh bắt cá của Thái Lan sau đó đã bị loại khỏi danh sách theo dõi của EU, ngăn chặn lệnh cấm nhập khẩu có thể khiến nước này thiệt hại hàng trăm triệu euro mỗi năm. Nhưng sản lượng đánh bắt hàng năm cũng giảm do tàu đánh cá bị giữ lại trên bờ khiến thu nhập cạn kiệt.
Sản lượng đánh bắt giảm, chi phí tăng
Trong bóng tối trước buổi bình minh, những chiếc thuyền Thái Lan được điều khiển bởi những người đàn ông khỏe mạnh đến từ Myanmar đang dỡ hàng đánh bắt của họ tại một bến tàu tiếp giáp với một ngôi chùa Phật giáo lớn ở Samut Songkram.
Thủ phủ của một tỉnh nhỏ cùng tên ở phía tây nam Bangkok là một trong những cơ sở đánh cá lớn nhất Thái Lan và là nguồn cung cấp cá thu nổi tiếng.
Cá dỡ khỏi thuyền sẽ được vận chuyển vài km đến các nhà bán buôn ở chợ Mae Klong, nơi cung cấp hải sản cho các nhà hàng trên khắp đất nước. Cá thu ở đây được xem là tươi ngon và có nhiều thịt nhất.
Dì Wan, người đã bán cá thu ở chợ 40 năm than thở về tình trạng thiếu hụt nên đã đẩy giá lên tới 150 baht (4,26 USD) một kg, hoặc đôi khi cao hơn tùy thuộc vào ngày đánh bắt.
"Chi phí đã tăng gấp 10 lần. Trước đây tôi bán hơn 100kg một ngày, bây giờ ngày thường chỉ còn 20kg", cô nói.
Cá loài cá thu lớn hơn được nhập khẩu từ Indonesia đang bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung này.
Tại Varesara Smitasiri - chủ nhà hàng Khua Kling Pak Sod ở Bangkok nói rằng cá thu chiên giòn và ăn kèm với tỏi ớt, hay nấu trong súp Tom Yum đậm đà hoặc cà ri cá vẫn giữ một vị trí quý giá trong thực đơn của người Thái.
Người Thái nhấn mạnh rằng cá Indonesia hoặc Malaysia nhập khẩu không mọng nước như cá địa phương được nuôi dưỡng ở Vịnh Thái Lan giàu trầm tích.
Để cứu loài này, Cục Thủy sản Thái Lan đang thử nghiệm nhân giống nhân tạo và thả cá con về tự nhiên. Nhưng chi phí cao và nhiều biến số ảnh hưởng đến sự sống sót của cá con trên biển khiến thành công không chắc chắn.
Những ngư dân truyền thống quy mô nhỏ cũng đang hỗ trợ các nỗ lực tái sinh vùng biển bằng các nhà bè rải rác khắp vùng Vịnh.
Cuối cùng, giải pháp duy nhất cho sự suy giảm của cá thu có thể vừa triệt để vừa khó chấp nhận.
"Điều tôi muốn là đóng cửa nghề cá trong một năm. Vịnh Thái Lan rất trù phú, nếu bạn để yên một thời gian, nó sẽ phục hồi trở lại, sự dồi dào sẽ quay trở lại. Có một tâm lý cho rằng cá sẽ luôn ở đó trên biển. Cho đến khi nó không còn nữa", một ngư dân nói.
Nhưng làm như vậy sẽ làm suy giảm sinh kế của hàng triệu người, điều đó là không thể, ít nhất ở thời điểm hiện tại khi mọi thứ quá khó khăn.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement