21/11/2022 14:55
Malaysia rơi vào tình trạng 'quốc hội treo' khiến thị trường chứng khoán và tiền tệ suy giảm
Thị trường chứng khoán và tiền tệ của Malaysia đã sụt giảm sau cuộc bầu cử quốc hội mà không một đảng phái nào chiếm đủ số ghế cần thiết để thành lập chính phủ khiến quốc hội bị "treo", buộc các đảng phải thành lập một liên minh trước hạn chót vào chiều thứ Hai.
Đồng ringgit đã giảm gần 0,8% so với đồng USD vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai trước khi phục hồi về mức 0,1% do thị trường cân nhắc khả năng bất ổn chính trị kéo dài.
Chỉ số chuẩn của thị trường chứng khoán Kuala Lumpur giảm tới 1,5%.
"Việc quốc hội bị treo đã được dự báo trước nhưng vẫn bị coi là tiêu cực trong ngắn hạn vì điều đó có nghĩa là cơ quan lập pháp sẽ một lần nữa phải thành lập một liên minh", Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Natixis ở Hồng Kông, cho biết.
"Nói cách khác, chính trị được ưu tiên hơn tất cả, và vẫn chưa rõ ai sẽ chiến thắng và họ có thể thúc đẩy các nhiệm vụ ở mức độ nào. Các vấn đề chính như củng cố tài khóa sẽ gặp nhiều thách thức khi có bế tắc chính trị. Chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư sẽ ngừng đầu tư cho đến khi có sự chắc chắn hơn về chính trị và định hướng chính sách", Trinh Nguyen nói thêm.
Cuộc bầu cử quốc hội của Malaysia vào thứ Bảy đã không thể tìm ra đảng chiến thắng rõ ràng, khi liên minh Pakatan Harapan (PH) và Perikatan Nasional (PN) đều không giành được 112 ghế cần thiết để thành lập chính phủ.
Đảng PH, do nhà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim lãnh đạo, giành được 82 ghế, trong khi PN, do cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin lãnh đạo, giành được 73 ghế.
Cả ông Anwar Ibrahim và ông Muhyiddin đều tuyên bố có đủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp để thành lập chính phủ mới.
Quốc vương Malaysia Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah hôm thứ Hai đã gia hạn thêm 24 giờ để các nhà lập pháp thông báo cho cung điện về chính phủ của họ, thời điển hết hạn vào lúc 2h chiều ngày 21/11.
Malaysia, một quốc gia đa sắc tộc gồm đa số người Mã Lai cùng với các cộng đồng quan trọng gồm người gốc Hoa và Ấn Độ, đã chìm trong bất ổn chính trị kể từ khi PH giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử năm 2018, chấm dứt 60 năm thống trị của đảng của Barisan Nasional và liên minh.
Liên minh do đảng PH lãnh đạo sụp đổ trong bối cảnh đấu đá chính trị vào tháng 2/2020, dẫn đến việc bổ nhiệm ông Muhyiddin làm thủ tướng. Ông Muhyiddin bị mất chức Thủ tướng hơn một năm sau đó và được thay thế bằng ông Ismail Sabri của BN.
Nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 sau khi chịu sự suy giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 14,2% trong quý 3 từ mức 8,9% trong quý II.
(Nguồn: Al Jazeera)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement