20/09/2022 10:48
Báo Malaysia: Việt Nam có tiềm năng trở thành 'cường quốc kinh tế' nhờ tăng trưởng xuất khẩu trái cây
Theo nhận định, ngành xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang có những bước phát triển khởi sắc trong thời gian gần đây.
Tờ The Star (Malaysia) dẫn các nguồn tin cho biết, một số loại trái cây được trồng ở Việt Nam đã thành công trong việc thâm nhập các thị trường "khó tính", có tiêu chuẩn cao. Cũng theo trang này, Việt Nam đang không ngừng tìm cách để tăng cường sức mạnh kinh tế của đất nước thông qua xuất khẩu trái cây.
Nhiều năm qua, Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù gần đây, các lô hàng xuất sang Trung Quốc sụt giảm do các quy định khắt khe hơn đối với thực phẩm nhập khẩu, nhưng rau củ quả Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh ở các thị trường lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang chuyển hướng sang các thị trường châu Âu. Nguyên nhân là các sản phẩm được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các thị trường này có nhu cầu ngày càng lớn đối với rau quả nhiệt đới.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang châu Âu năm 2021 đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành để các loại trái cây tươi khác vào thị trường mới.
Để nắm bắt cơ hội, nhiều địa phương đang chuẩn bị các vùng trồng và nguồn nguyên liệu. Tỉnh Tiền Giang là nơi trồng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam, đang tìm cách mở rộng các đồn điền để giúp tăng thu nhập và lượng xuất khẩu của nông dân.
Tương tự, tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên đã đưa chanh dây trở thành một trong bốn loại trái cây chủ lực, theo TTXVN. Gia Lai có kế hoạch tăng diện tích trồng chanh dây lên 20.000ha vào năm 2025, tăng gấp 5 lần so với diện tích hiện tại.
Để đảm bảo tính bền vững của hoạt động xuất khẩu trái cây và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường truyền thống, thậm chí là thị trường cao cấp, yếu tố then chốt là phải đảm bảo sản xuất an toàn, góp phần nâng cao thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, qua đó củng cố vị thế là một trong những nước xuất khẩu trái cây tươi quan trọng của thế giới.
Năm 2021, sau khi phát hiện tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trong một số lô sầu riêng của Việt Nam, Nhật Bản đã tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến loại quả này khó tiếp cận thị trường Nhật Bản.
Các thị trường khó tính khác như Mỹ và các nước châu Âu kiên quyết tuân thủ Quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GAP) và ngưỡng dư lượng hóa chất nghiêm ngặt đối với sầu riêng Việt Nam.
Sầu riêng không đạt tất cả các tiêu chí sẽ có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu. Điều này có thể gây thiệt hại lớn cho nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng như nền kinh tế và uy tín của Việt Nam.
Để tuân thủ các quy định sản xuất an toàn cần có thêm thời gian và ngân sách. Tuy nhiên, để lấy lại lòng tin của các thị trường xuất khẩu là việc khó hơn nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về yêu cầu an toàn thực phẩm cũng chỉ ra rằng các nước xảy ra sự cố an toàn thực phẩm thường xuyên có thể bị thiệt hại lớn về kinh tế cũng như đánh mất các cơ hội thương mại toàn cầu.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement