27/09/2023 08:37
Macron đang đẩy châu Âu vào 'cuộc chiến xe điện' trị giá 900 tỷ USD với Trung Quốc
Trong cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện Trung Quốc do ủy ban châu Âu phát động, Pháp đóng vai trò quan trọng có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới của khối này với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Lựa chọn nào?
Chính phủ Pháp đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi chính sách của EU, khi cho rằng các hoạt động thương mại của Bắc Kinh đã bắt đầu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp cốt lõi, ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế của khối.
Sau sự sụp đổ của ngành năng lượng mặt trời cách đây một thập kỷ, khi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc làm suy giảm sản xuất của châu Âu. Ngành công nghiệp ô tô của châu Âu có thể dễ bị tổn thương theo cách tương tự và vì vậy EU phải đối mặt với hai sự lựa chọn, hoặc khẳng định quyền lực của mình, hoặc phục tùng Trung Quốc.
Các quan chức cho biết mục đích không phải là biến mối quan hệ thương mại trị giá 900 tỷ USD/năm của châu Âu với Trung Quốc thành một cuộc chiến đối đầu như Bắc Kinh đã làm với Mỹ, mà là để thiết lập một sân chơi bình đẳng giữa các khối kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn các đối tác EU của mình coi châu Âu là lực lượng cân bằng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Điều đó sẽ cho phép Paris và các thủ đô khác vun đắp mối quan hệ đặc biệt với các đồng minh tiềm năng khác như Ấn Độ.
Tuy nhiên, lập trường cứng rắn hơn của EU cũng gây ra lo lắng, ngay cả các quan chức ở Paris cũng lo ngại về ý nghĩa của việc biến các nguyên tắc của Pháp thành thực tiễn. Phản ứng của Trung Quốc trước việc mở cuộc điều tra là rất đáng lo ngại, nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh thương mại.
Phó thủ tướng Trung Quốc, He Lifeng (Hà Lập Phong), hôm thứ Hai đã bày tỏ "mối quan ngại và sự không hài lòng" với trưởng đoàn đàm phán thương mại của EU, Valdis Dombrovskis về cuộc điều tra chống bán phá giá của khối đối với xe điện Trung Quốc.
Macron từ lâu đã ủng hộ việc xem xét lại các mục tiêu kinh tế của EU nhằm cung cấp các công cụ bảo vệ các ngành công nghiệp đang suy thoái và tăng cường viện trợ nhà nước cho các lĩnh vực quan trọng.
Tuy nhiên, các sáng kiến của Pháp thường vấp phải sự phản đối từ các quốc gia khác trong đó có Đức, những nước lo sợ bị trừng phạt sẽ gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu của họ. Các quốc gia nhỏ hơn lo ngại về sự cạnh tranh không công bằng từ các công ty khổng lồ tràn đầy tài chính.
Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đã giúp nước này trở thành nhà sản xuất thống trị công nghệ pin xe điện. Doanh số bán xe điện toàn cầu năm 2023 được dự báo tăng gần một phần ba, lên hơn 14 triệu chiếc, với trị giá 560 tỷ USD. Một số chính trị gia châu Âu cho rằng nếu không có sự cạnh tranh công bằng, ngành công nghiệp ôtô của EU sẽ thua thiệt.
Theo Mujtaba Rahman, người đứng đầu nghiên cứu châu Âu tại Eurasia Group, khi Đức lùi một bước khỏi chính sách dẫn đầu châu Âu, điều này đã để lại khoảng trống cho các nước khác bao gồm Pháp và Ủy ban châu Âu tranh giành ảnh hưởng.
Mục tiêu của Macron còn được thúc đẩy hơn nữa bởi kế hoạch trợ cấp lớn của Tổng thống Joe Biden theo Đạo luật giảm lạm phát nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp "cây nhà lá vườn" trong quá trình chuyển đổi khí hậu.
Bất kỳ sự khiêu khích nào của Trung Quốc đều là một canh bạc lớn đối với một khối đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng và đợt lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử khu vực đồng euro.
Thêm vào đó là sự suy giảm kinh tế hàng loạt của Trung Quốc sẽ khó dự đoán, có thể có khả năng lôi kéo một loạt công ty lớn nhất lục địa, bao gồm cả các tập đoàn xa xỉ của Pháp mà nền kinh tế lớn nhất châu Á là thị trường trọng điểm.
Nhà kinh tế trưởng Michala của Societe Generale cho biết: "Nếu nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản, nếu các biện pháp của châu Âu đối với xe điện của Trung Quốc thành hiện thực thì sẽ ngành ô tô Đức sẽ có nguy cơ "bị trả đũa" nhiều nhất". Nhưng sự thật còn phức tạp hơn nhiều, vì không chỉ có ô tô, mà tất cả hàng hóa khác cũng sẽ bị ảnh hưởng".
Cuộc đấu tranh mất cân bằng
Theo tính toán của Allianz Trade, nếu EU áp dụng mức tăng thuế 1 điểm phần trăm, tổng thiệt hại đối với Trung Quốc ước tính sẽ vào khoảng 8,4 tỷ USD. Mặc dù đây có thể là một khoản tiền lớn nhưng nó chỉ chiếm 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc so với 1,5% kim ngạch nhập khẩu của EU.
Sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc cũng có thể trở thành cú sốc lạm phát bất cân xứng, khi châu Âu sẽ phải chấp nhận giá cao hơn cho các nguyên liệu quan trọng, trong khi Trung Quốc có thể tự cung tự cấp hoặc chuyển sang các thị trường khác để thay thế hàng hóa châu Âu.
Theo Ana Boata, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Allianz Trade, trong bối cảnh lạm phát cao và chiến dịch thắt chặt tiền tệ kỷ lục của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khối này có thể rơi vào suy thoái.
Khả năng của Macron trong việc tác động đến chính sách của EU cũng gắn liền với thương hiệu chính trị mà ông đã xây dựng dựa trên việc ủng hộ dự án châu Âu như một cách để bảo vệ lợi ích của người dân.
Trong cuộc tranh luận về việc có nên mạo hiểm xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc hay không, một quan chức cấp cao của Pháp cho biết cử tri quan tâm đến việc phô trương sức mạnh hơn là lợi ích của các tập đoàn có thể bị vướng vào đòn trả đũa.
(Nguồn: Bloomberg)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp