14/09/2023 00:03
Châu Âu giáng 'đòn chí mạng' lên ngành ô tô điện Trung Quốc
Liên minh châu Âu sẽ mở một cuộc điều tra mới về việc Trung Quốc trợ cấp xe điện giá rẻ, có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - Ursula von der Leyen ngày 13/9 đã công bố một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện giá rẻ đến từ Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, bà Leyen đã so sánh những gì đã xảy ra trong quá khứ với ngành năng lượng mặt trời châu Âu và những gì có thể xảy ra trong tương lai với ngành ô tô châu Âu, cả hai đều phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác Trung Quốc.
Ủy ban sẽ có tới 13 tháng để đánh giá xem có nên áp dụng mức thuế cao hơn mức tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất Trung Quốc phải trả thuế nhập khẩu 10% để xuất khẩu xe sang EU, thấp hơn nhiều so với mức 27,5% mà Mỹ áp dụng.
Pháp đang dẫn đầu một nỗ lực nhằm buộc EU phải mở một cuộc điều tra mới trước sự "xâm lăng" của xe điện Trung Quốc. Trong nhiều tháng, chính phủ Pháp, các ủy ban trong ngành công nghiệp ô tô và Ủy ban châu Âu đã thúc đẩy cơ quan điều hành EU tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất ô tô điện đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Cuộc điều tra bao gồm ô tô chạy bằng pin từ Trung Quốc, gồm cả các thương hiệu không phải của Trung Quốc được sản xuất tại đây như Tesla, Renault và BMW. Điều bất thường là nó do chính Ủy ban châu Âu đưa ra chứ không phải để đáp lại khiếu nại của ngành.
Một phần lớn ô tô điện xuất khẩu từ Trung Quốc cũng là thương hiệu của phương Tây. Cùng với đó, hàng loạt công ty xe điện đang phải phụ thuộc vào nguồn cung pin dung lượng cao từ Trung Quốc.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cho biết họ rất quan ngại và phản đối việc khởi động cuộc điều tra, đồng thời kêu gọi EU xem xét xe điện của Trung Quốc một cách khách quan.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và EU ngày càng gia tăng, một phần do mối quan hệ chặt chẽ hơn của Bắc Kinh với Moscow sau cuộc xung đột Nga - Ukraina. EU đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là về nguyên liệu và sản phẩm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
"Lĩnh vực xe điện là một ngành công nghiệp quan trọng cho nền kinh tế xanh, có tiềm năng to lớn đối với châu Âu. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc. Và giá của chúng được giữ ở mức thấp nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước", Chủ tịch EC nhấn mạnh.
Ô tô Trung Quốc "tấn công" thị trường châu Âu
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu nhận ra rằng họ đang phải chiến đấu khi một cuộc "tấn công toàn diện" của ô tô Trung Quốc đang cắt giảm thị phần của các nhà sản xuất châu Âu trên chính "sân nhà" của họ.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, từ BYD dẫn đầu thị trường đến các đối thủ nhỏ hơn Xpeng và Nio, đang tăng cường nỗ lực mở rộng ra nước ngoài khi cạnh tranh trong nước ngày càng gay gắt. Dữ liệu của Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho thấy xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng 31% trong tháng 8.
Ủy ban châu Âu cho biết thị phần xe điện của Trung Quốc bán ở châu Âu đã tăng lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025. Các mẫu xe phổ biến của Trung Quốc được xuất khẩu sang châu Âu bao gồm MG của SAIC và Volvo của Geely.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc giảm sau thông báo của EU. Cổ phiếu BYD, vốn đang giao dịch cao hơn 4,5%, đã 2,8% phiên đóng cửa, Nio giảm 1% và Xpeng giảm 2,5%. Cổ phiếu ô tô ở châu Âu đã tăng 1,2% sau thông báo này, đi ngược lại với xu thế giảm giá chung ở hầu hết các lĩnh vực khác.
Dòng xe điện rẻ hơn của Trung Quốc đã khiến một số nhà sản xuất ô tô châu Âu phải hành động. Renault đã công bố vào tháng 7 rằng họ đặt mục tiêu cắt giảm 40% chi phí sản xuất cho các mẫu xe điện của mình.
Renault cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ đối thủ là Tesla khi hãng này đã liên tục giảm giá nhiều lần trong năm nay ngay cả sụt giảm lợi nhuận.
Hiệp hội ô tô VDA của Đức cho biết EU phải tính đến phản ứng dữ dội có thể xảy ra từ Trung Quốc khi hàng loạt công ty xe điện đang phải phụ thuộc vào nguồn cung pin dung lượng cao của Trung Quốc.
Pháp không gặp vấn đề lớn như vậy vì các doanh nghiệp nước này không hoạt động tích cực ở Trung Quốc, nhưng đối với các nhà sản xuất ô tô Đức, thị trường Trung Quốc lại có vai trò quá quan trọng, dẫn tới việc Berlin sẽ làm mọi cách để tránh một rào cản thương mại, các chuyên gia cho biết.
Von der Leyen nhấn mạnh tầm quan trọng của xe điện đối với các mục tiêu môi trường đầy tham vọng của EU.
Chery, hiện là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc, có kế hoạch bán tới 15.000 xe vào năm tới chỉ riêng ở Anh, mức độ có thể vượt qua Jeep, Jaguar và Suzuki ngay từ đầu.
Tập đoàn này có trụ sở ở phía Tây Thượng Hải, tỉnh An Huy, bắt đầu nghiên cứu xe điện vào năm 2000. Phải mất một phần tư thế kỷ, công ty mới có thể nhấn nút tấn công châu Âu, trong đó có cả một số phương tiện chạy bằng động cơ xăng.
Victor Zhang, giám đốc tập đoàn Chery ở Anh, cho biết: "Mức độ sản phẩm của chúng tôi nhiều năm trước vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng, nhưng dần dần, sau nhiều năm, nó đã tăng lên". "Bây giờ, chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng".
Bà Leyen nêu rõ: "Thông thường, các công ty của chúng tôi thường bị hạ gục bởi các đối thủ cạnh tranh được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước. Châu Âu sẵn sàng cạnh tranh nhưng không tham gia một cuộc chạy đua xuống đáy. Chúng tôi phải tự bảo vệ mình trước những hành vi không công bằng".
Theo công ty tư vấn AlixPartners, trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho xe điện và xe hybrid là 57 tỷ USD từ năm 2016 - 2022, giúp Trung Quốc trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới và vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất trong quý đầu tiên năm nay.
Các nhà nghiên cứu của Jato Dynamics cho hay, thành công của Trung Quốc trong việc thúc đẩy việc sử dụng xe điện rộng rãi chủ yếu là nhờ vào việc cung cấp các sản phẩm với giá cả phải chăng cho các đối tượng khách hàng khác nhau.
Theo Jato Dynamics, ô tô Trung Quốc rẻ hơn khoảng 30% so với các sản phẩm cùng chất lượng ở châu Âu và Mỹ. Bên cạnh mức thuế thấp, điều khiến châu Âu trở nên hấp dẫn các công ty Trung Quốc là lộ trình cấm bán ô tô động cơ đốt trong mới vào năm 2035.
Trung Quốc đã chấm dứt chương trình trợ cấp hào phóng kéo dài 11 năm cho việc mua xe điện vào năm 2022, nhưng một số chính quyền địa phương vẫn tiếp tục đưa ra viện trợ hoặc giảm thuế để thu hút đầu tư cũng như trợ cấp cho người tiêu dùng.
Các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Great Wall và MG đang đẩy mạnh các chiến lược ra mắt tại châu Âu sau khi đã chinh phục thành công các thị trường quốc tế khác như Australia, Nga, hay Nam Mỹ. Sự thống trị các gian hàng ở Triển lãm Munich mới đây là một minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh, với lợi thế từ giá bán nhờ tự chủ được nguồn pin so với với các đối thủ nước ngoài.
Kingsmill Bond, lãnh đạo cấp cao trong nhóm chiến lược tại Viện Rocky Mountain, cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng lợi từ giá pin xe điện là 130 USD/kWh so với mức giá toàn cầu là 151 USD.
(Nguồn: CNBC/Nikkei)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp