01/09/2022 07:01
Lòng tin của doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc xuống thấp kỷ lục
Tâm lý về hoạt động ở Trung Quốc giữa các doanh nghiệp Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp mới, phần lớn là do Bắc Kinh tiếp tục sử dụng các biện pháp phong tỏa COVID đột xuất, một cuộc khảo sát hàng năm của một nhóm doanh nghiệp Mỹ cho thấy.
Cuộc thăm dò ý kiến các công ty thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho thấy các công ty đa quốc gia của Mỹ ngày càng mất niềm tin vào triển vọng ngắn hạn đối với các dự án kinh doanh tại Trung Quốc của họ, theo kết quả được công bố hôm 30/8.
Năm nay, 21% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ bi quan hoặc hơi bi quan về tương lai làm ăn trong 5 năm tới tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, so với tỷ lệ 9% trong năm ngoái.
Chỉ có khoảng một nửa trong số 117 công ty được hỏi cho biết họ lạc quan hoặc hơi lạc quan về triển vọng của chính họ ở Trung Quốc, giảm 18 điểm phần trăm so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu hơn 16 năm.
Theo The Wall Street Journal, khảo sát cho thấy việc Trung Quốc tiếp tục chiến lược quyết liệt trong phòng chống COVID-19 với việc phong tỏa đột xuất là yếu tố chủ yếu khiến tỷ lệ bi quan gia tăng. Trước đó, yếu tố căng thẳng Mỹ - Trung từng dẫn đầu suốt 4 năm trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp Mỹ lo ngại về khả năng làm ăn tại Trung Quốc.
Các công ty nước ngoài bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vào mùa xuân khi chính quyền áp đặt lệnh cấm cửa nghiêm ngặt kéo dài hai tháng đối với Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, nơi có nhiều công ty đa quốc gia đặt trụ sở, trong bối cảnh đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất của đất nước trong hai năm.
Việc vận chuyển hàng hóa vào Thượng Hải, cũng là một trung tâm xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc, đã bị gián đoạn và các nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động dưới những hạn chế chặt chẽ.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc Craig Allen chho biết: "Chúng ta chắc chắn thấy rằng chính phủ Trung Quốc đang có những biện pháp nhằm đề phòng tái diễn sự phong tỏa như ở Thượng Hải, nhưng chiến lược hiện nay vẫn dẫn đến tình trạng khó lường đáng kể".
Các doanh nghiệp nước ngoài luôn theo dõi sát sao việc Trung Quốc ứng phó với tình trạng kinh tế trì trệ, vốn trở nên tồi tệ hơn song song với các chính sách đối phó COVID-19, thị trường bất động sản trì trệ và đợt nắng nóng bất thường. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã giảm gần như bằng 0 so với cùng kỳ năm ngoái trong quý thứ hai.
Trong cuộc họp Quốc vụ viện vào ngày 29/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ đã có nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm ổn định nền kinh tế trong năm nay. Trong khi đó, ông Allen cho rằng các doanh nghiệp đang theo dõi sát sao về những diễn biến sắp tới tại Trung Quốc sẽ giúp họ có lợi thế gì.
Khi được hỏi về những động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế, ông Allen cho biết trong cuộc họp với các phóng viên hôm 30/8 rằng các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện cách tiếp cận "chờ và xem" trước khi hiểu được lợi ích của đợt kích thích kinh tế năm nay. Phần lớn chi tiêu kích thích của Trung Quốc có thể sẽ hướng đến chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng mối quan tâm đối với các doanh nghiệp hiện nay là tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc, ông nói thêm.
Ông Allen nói: "Do chính sách "zero-COVID", người tiêu dùng Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn. "Cho đến khi tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc tăng lên, chúng tôi sẽ vẫn còn hơi hoài nghi".
Kể từ tháng 3/2020, Trung Quốc hầu như đóng cửa biên giới, khiến các công ty đa quốc gia khó cử các giám đốc điều hành cấp cao đến để đánh giá thị trường hoặc cử những nhân tài quan trọng như kỹ sư vào nước này. Những người được phép vào phải chịu sự kiểm dịch nghiêm ngặt của khách sạn.
Gần như tất cả, hay 96%, những người được hỏi do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung khảo sát cho biết các biện pháp kiểm soát đại dịch của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của họ.
Hơn một nửa số người được hỏi cũng tạm dừng, trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch đầu tư tại Trung Quốc do chiến lược "zero-COVID" của nước này. Cuộc thăm dò cho thấy những sự chậm trễ và hủy bỏ như vậy dường như ảnh hưởng nhiều nhất đến các khoản đầu tư lớn nhất của công ty, với 17% số người được hỏi nói rằng nó ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trị giá trên 50 triệu USD.
Hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc vẫn mạnh mẽ. Gần 90% số người được hỏi cho biết có lãi vào năm 2022 và 4/5 thành viên cho biết tỷ suất lợi nhuận tại Trung Quốc của họ bằng hoặc tốt hơn so với hoạt động tổng thể năm ngoái, theo cuộc thăm dò.
Theo ông Allen, những lo ngại về tương lai vẫn đè nặng lên doanh nghiệp Mỹ, người nói rằng không rõ liệu việc tạm dừng đầu tư này là một đốm sáng tạm thời hay một điểm trong một xu hướng dài hơn.
(Nguồn: The Wall Street Journal)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement