19/01/2024 08:01
Lạm phát Nhật Bản đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ vào năm 2023
Dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng ở Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 41 năm qua, đeo bám dai dẳng và cản bước đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.
Dữ liệu chính thức được công bố hôm nay (19/1/) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã tăng 3,1% trong năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Đồng Yên yếu hơn cũng đã đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao, làm tăng giá cả tiêu dùng.
Trong tháng 12, chỉ số cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2,3% so với một năm trước đó, giảm từ mức 2,5% trong tháng 11 và vượt mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tháng thứ 21 liên tiếp.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, phí khách sạn tăng 59% trong tháng 12, trong khi hóa đơn tiền điện giảm 20,5%.
Các nhà phân tích nhận định, lạm phát cao kéo dài đang bào mòn kinh tế của Đất nước mặt trời mọc và gây ra các thách thức tài chính lớn.
Do phần lớn nguồn tiền cho khoản chi nêu trên là từ việc phát hành nợ, nên mục tiêu "khôi phục tài khóa" của chính phủ đang bị lùi lại. Trong khi đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra với Chính phủ Nhật Bản hiện nay là thực hiện cải cách chi tiêu. Khoản chi khổng lồ nêu trên cũng đang tạo ra những vấn đề không nhỏ về tài chính với Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương trước cuộc đàm phán mùa xuân hàng năm giữa người sử dụng lao động và liên đoàn lao động.
Mức lương thực tế trung bình của đất nước được điều chỉnh theo lạm phát giảm so với cùng kỳ trong tháng 11, cho thấy lạm phát tiếp tục làm lu mờ việc tăng lương.
"Ở một đất nước hầu như không có tăng trưởng tiền lương danh nghĩa trong hơn 30 năm, tiền lương thực tế đang giảm tương đối nhanh do lạm phát", nhà kinh tế cấp cao Stefan Angrick của Moody's Analytics tại Tokyo nhận định.
Trong suốt 30 năm, tiền lương của người lao động ở Nhật tăng chưa đầy 5%, so với mức tăng 34% tại các nước khác trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) như Pháp và Đức trong cùng khoảng thời gian.
Giới chuyên gia đã chỉ ra một loạt lý do khiến tiền lương ở Nhật Bản trì trệ trong từng ấy năm. Thứ nhất, trong suốt một thời gian dài, Nhật phải xoay sở với tình trạng thái ngược với lạm phát hiện nay, tức là giảm phát.
Tình trạng giá cả giảm đã bắt đầu vào giữa thập niên 1990 do đồng Yên mạnh là nhân tố đẩy giá hàng hoá nhập khẩu xuống và vụ nổ bong bóng tài sản trong nước.
"Về cơ bản, giá tiêu dùng ở Nhật Bản không thay đổi suốt 20 năm qua", chuyên gia kinh tế cao cấp Muge Adalet McGowan của OECD tại Nhật Bản nói. Bà McGowan cho rằng cho tới hiện nay, ví tiền của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều và họ cũng chưa cảm thấy sự cần thiết phải được tăng lương.
Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo), nhóm lớn nhất đất nước đại diện cho nhiều công đoàn ngành khác nhau, đang yêu cầu tăng lương từ 5% trở lên trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Trong một tuyên bố, Rengo cho biết đang thúc đẩy vấn đề đòi tăng lương vì người lao động Nhật Bản đang có mức lương tăng yếu so với thế giới và cần được tăng lương để thích nghi với vật giá leo thang.
Tình trạng lạm phát vẫn cao ở Nhật Bản đang trái với xu hướng giá cả hạ nhiệt chung ở tất cả các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và đây là một thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Một khi lạm phát cao, "căn bệnh" này sẽ "trói tay" chính phủ trong việc triển khai các biện pháp kích cầu tăng trưởng, phục hồi kinh tế và gây ra nhiều khó khăn hơn trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement