06/05/2022 11:25
Kinh tế Trung Quốc đang 'thụt lùi'
Các khảo sát vừa mới công bố cho thấy, dịch vụ - lĩnh vực quan trong trong nền kinh tế Trung Quốc- đang sụt giảm mạnh và điều này đã khiến các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu "thụt lùi".
Theo một cuộc khảo sát do IHS Markit công bố hôm thứ Năm, chỉ số tiêu dùng (PMI) do Caixin cung cấp, một chỉ số được theo dõi và đánh giá tình trạng nền kinh tế, đã giảm mạnh xuống mức 36,2 điểm trong tháng 4 từ mức 42 điểm vào tháng 3. Khi chỉ số này thấp hơn 50,0 điểm đồng nghĩa với việc nền kinh tế sản xuất đang xuống dốc/; giá trị lớn hơn 50,0 điểm biểu thị một sự mở rộng của nền kinh tế sản xuất.
Khu vực dịch vụ chiếm hơn một nửa GDP của Trung Quốc và chiếm hơn 40% việc làm của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Và dữ liệu khảo sát cũng cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng thu hẹp hơn trong tháng trước.
Trong khi đó, nhiều khu vực lớn của Bắc Kinh vừa áp dụng các hạn chế chặt chẽ hơn và điều này khiến một số nhà kinh tế hiện dự báo rằng, GDP của Trung Quốc sẽ giảm trong quý thứ hai.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh hôm thứ Tư thông báo rằng, họ đã phong tỏa quận lớn nhất của mình là Chaoyang, đình chỉ hoạt động giao thông vận tải và khuyến khích 3,5 triệu cư dân làm việc tại nhà như một phần trong nỗ lực mới nhất nhằm hạn chế các trường hợp nhiễm Covid-19.
Chỉ số PMI sụt giảm gần 6 điểm trong tháng 4 chỉ đứng sau sự sụt giảm vào tháng 2 năm 2020, thời điểm mà nền kinh tế Trung Quốc gần như đi vào bế tắc do nước này tiến hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đợt bùng phát coronavirus đầu tiên tại TP Vũ Hán.
Trong tháng 2/2020, chỉ số PMI do Caixin khảo sát đã giảm xuống 26,5 điểm từ 51,8 điểm trong tháng Giêng.
Hiện, các doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với chi phí năng lượng và nguyên liệu gia tăng.
Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, cho biết: "Một số công ty, bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn đặt hàng, đã sa thải công nhân để giảm chi phí. Cuộc khảo sát cho thấy chỉ số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ là dưới 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp".
Dữ liệu được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc báo cáo mức chi tiêu của khách du lịch cho kỳ nghỉ lễ nhân Ngày Lao động đã giảm mạnh.
Chi tiêu cho khách du lịch chỉ đạt 64,7 tỷ nhân dân tệ (9,8 tỷ USD) trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày này, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một tuyên bố của Bộ Văn hóa và Du lịch vào cuối ngày thứ Tư (4/5).
Báo cáo ghi nhận trong 5 ngày nghỉ lễ này có thổng cộng 160 triệu lượt du khách trong nước, giảm 30% so với một năm trước đó.
Dữ liệu một lần nữa nhấn mạnh chính sách "zero-Covid" của Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề như thế nào đối với nền kinh tế của nước này.
Vào thứ Bảy tuần trước, các cuộc khảo sát từ chính phủ chỉ ra rằng cả hoạt động nhà máy và phi sản xuất đều giảm trong tháng 4 xuống mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2 năm 2020.
"Các xu hướng gần đây cho thấy đà tăng trưởng của Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong tháng 4", các nhà phân tích từ Fitch Ratings viết hôm thứ Ba. Theo dự báo, GDP sẽ giảm trong quý thứ hai, trước khi sản phục hồi trong nửa cuối năm.
Các nhà phân tích của Nomura cũng cảnh báo vào tháng trước về nguy cơ gia tăng "suy thoái" trong quý thứ hai do khu vực bất động sản thu hẹp và xuất khẩu chậm lại.
Trung Quốc đang phải chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất trong hơn hai năm qua do biến thể Omicron. Cho đến nay, ít nhất 27 thành phố của Trung Quốc đã và đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, điều này có thể ảnh hưởng đến 185 triệu cư dân trên khắp đất nước, theo tính toán mới nhất của CNN.
Trong số đó, tồi tệ nhất có lẽ là Thượng Hải - trung tâm tài chính hàng đầu của quốc gia và là trung tâm sản xuất và vận chuyển lớn của thế giới. Thành phố này đã bị phong tỏa kể từ ngày 28 tháng 3. Mặc dù chính quyền bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế vào tháng trước, nhưng hơn 8 triệu cư dân vẫn bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "zero-Covid" nghiêm ngặt trong suốt hơn hai năm sau đợt dịch đầu tiên bùng phát mặc cho phần còn lại của thế giới đang học cách sống chung với Covid. Chính sách này bao gồm việc xét nghiệm bắt buộc hàng loạt và phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Nhiều nhà kinh tế đã hạ các mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, với lý do rủi ro từ chính sách "zero-Covid". Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của chính phủ Trung Quốc đề ra trước đó là khoảng 5,5%.
Trong ngày gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng trấn an công chúng về việc thay đổi để cứu vãn nền kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước đã kêu gọi tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Và Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc vào thứ Sáu đã hứa đưa ra "các biện pháp cụ thể" để hỗ trợ nền kinh tế.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp