05/05/2022 12:29
CPTPP là gì mà khiến Trung Quốc nhất quyết muốn tham gia?
Bắc Kinh cho biết nền kinh tế của họ phù hợp với nỗ lực cải cách và mở cửa nền kinh tế, nhưng không rõ liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp ước thương mại hay không
CPTPP là gì?
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là sự kế thừa của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là một kế hoạch quan trọng trong chiến lược "Xoay vòng sang châu Á" của chính quyền Obama nhằm tạo ra một đối trọng kinh tế ảnh hưởng trong khu vực đối với Trung Quốc.
CPTPP xuất hiện sau khi cựu tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi TPP vào năm 2017, ngay sau khi nhậm chức.
Nhật Bản đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với 10 quốc gia khác, bao gồm New Zealand, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Singapore, Peru và Việt Nam về Hiệp định thương mại mới.
Thỏa thuận được ký vào tháng 3 năm 2018 và có hiệu lực vào tháng 12 năm đó. Nó bao gồm gần như tất cả các điều khoản của TPP ban đầu liên quan đến chống tham nhũng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp cho chính phủ, sự tuân thủ của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) đối với các nguyên tắc thị trường, một số minh bạch và quy trình phù hợp, cũng như các luồng dữ liệu thương mại xuyên biên giới với trạng thái ít can thiệp.
Là một trong những hiệp định thương mại đa phương lớn nhất thế giới, hiệp định này có các tiêu chuẩn cao về đầu tư, dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ, môi trường và quyền lao động.
Trung quốc có phải là một trong những thành viên của CPTPP?
Câu trả lời là không, nhưng họ đã nộp đơn chính thức để gia nhập CPTPP vào tháng 9 năm ngoái.
Vào tháng 2, phát ngôn viên Cao Phi của Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đã thảo luận với các thành viên của thỏa thuận thương mại Vành đai Thái Bình Dương về việc nhập cảnh.
Nhật Bản, Úc, New Zealand và Canada đang cố gắng mở rộng khả năng đó, Maria Adele Carrai, trợ lý giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc toàn cầu tại Đại học New York, Thượng Hải đã viết trong một bài phân tích cho Quỹ Hinrich vào tháng 4 như vậy.
Tuy nhiên, họ đã nêu ra những lo ngại về khả năng của Trung Quốc trong việc tuân thủ các cải cách cần thiết để gia nhập, và cũng là yếu tố để có thể kéo dài quá trình này, cô cho biết.
Cô nói thêm, các thành viên hiện tại cũng có thể bị Mỹ ảnh hưởng, mặc dù đây không phải là một phần của hiệp định thương mại.
Để được gia nhập vào phải có sự đồng thuận của cả 11 nước thành viên.
Vậy còn ai khác đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP?
Đài Loan đã nộp hồ sơ gia nhập khối thương mại sau Trung Quốc sáu ngày. Bắc Kinh vốn coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai sẽ được tái thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết, phản đối các động thái của Đài Bắc trong việc gia nhập bất kỳ hiệp định và tổ chức quốc tế nào.
Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp ước vào tháng 2 năm 2021. Nước này mất khoảng 7 tháng để có cuộc họp đầu tiên với một nhóm công tác CPTPP vào tháng 9 năm ngoái.
Lý do Trung Quốc cảm thấy hứng thú với việc gia nhập CPTPP
Trong một thời gian, đơn đăng ký của Trung Quốc được coi là "kẻ phá hoại" động lực của khối thương mại, vì nước này không cần hoặc không muốn tham gia vào CPTPP, Carrai nói.
Joanna Shelton, một cộng sự cấp cao không thường trú của Chương trình Kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết trên trang web của Viện chính sách và nghiên cứu Think Tank vào tháng 11 rằng, việc Trung Quốc chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP một ngày sau khi Australia, Anh và Mỹ công bố cái gọi là liên minh phòng thủ Aukus, là một nỗ lực rõ ràng nhằm chia rẽ Washington với các đồng minh và đối tác.
Vương Tiểu Hồng, Phó giám đốc bộ phận thông tin tại Trung tâm Giao dịch Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Shanghai Securities News vào tháng 10 rằng việc Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận này có thể củng cố thêm các cải cách trong nước, chẳng hạn như tăng cường đổi mới và hiệu quả, đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Những lợi ích mà Trung Quốc có được khi tham gia vào CPTPP
Wang Shouwen, Thứ trưởng Thương Mại Trung Quốc cho biết, ý định tham gia của Bắc Kinh vào tháng 3 phù hợp với nỗ lực cải cách và mở cửa nền kinh tế của nước này. Ông nói thêm, tư cách thành viên, Trung Quốc sẽ giúp các nước khác tăng cường hợp tác với nước này về thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và trong các lĩnh vực khác.
CPTPP có thể làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc thêm 0,74% đến 2,27% và xuất khẩu của nước này tăng 4,69% đến 10,25%, theo một mô hình được phát triển bởi Li Chunding, giáo sư tại trường kinh tế và quản lý tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.
Mô hình cho thấy GDP sẽ tăng 0, 25% và xuất khẩu tăng 0,09% nếu Trung Quốc không tham gia hiệp định thương mại.
Các học giả Trung Quốc tích cực ủng hộ sự tham gia của nước này trong CPTPP, nhưng lo ngại về khả năng và cam kết của nước này trong việc đáp ứng các quy tắc của hiệp định thương mại, Carrai nói.
Những thách thức mà Trung quốc phải đối mặt khi gia nhập CPTPP
Theo Carrai, có những điều khoản nghiêm ngặt cấm bản địa hóa dữ liệu và ép buộc chuyển giao mã nguồn, điều này mâu thuẫn với luật dữ liệu hạn chế của Trung Quốc.
Luật an ninh mạng của Trung Quốc quy định rằng thông tin cá nhân cũng như dữ liệu quan trọng do các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng thu thập vào tạo ra phải được lưu trữ trong nội bộ lãnh thổ của nước này, cô nói.
Nhưng phạm vi và mức độ cụ thể của an ninh quốc gia và bảo vệ thông tin cá nhân không được xác định rõ ràng.
Vương Tiểu Hồng nói với tờ The Paper vào tháng 3, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước (SOEs), thông qua trợ cấp công nghiệp và các hoạt động bóp méo thương mại khác, không đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP.
Ông Vương cho biết việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như cơ cấu cổ phần và thành viên hội đồng quản trị nào cũng có trách nhiệm với chính phủ, là không toàn diện tại thời điểm hiện tại.
Cô Carrai cho biết thêm, luật chống độc quyền và luật chống cạnh tranh không lành mạnh của quốc gia cũng không được thực hiện bình đẳng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Các rào cản khác đối với Trung Quốc bao gồm cam kết của CPTPP về loại bỏ lao động cưỡng chế và cho phép tự do liên kết, cả hai đều không nằm trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đối thủ, Carrai chia sẻ.
Cô còn nói thêm, Trung Quốc chỉ có một liên đoàn lao động hợp pháp và tính hiệu quả của nó là một vấn đề đáng nghi ngờ.
RCEP: 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới.
RCEP là gì và có gì khác biệt với CPTPP?
RCEP là hiệp định thương mại tự do giữ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) gồm 10 thành viên, cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
RCEP có hiệu lực đối với hầu hết 15 thành viên vào ngày 1/1, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm gần một phần ba dân số toàn cầu và khoảng 30% GDP của thế giới.
Thỏa thuận thương mại nhằm củng cố các cơ sở sản xuất và thi trường châu Á để đạt hiệu quả tối đa, trong khi CPTPP tập trung vào việc kết hợp các trung tâm sản xuất từ nhiều quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan công bố vào tháng 11 năm ngoái.
RCEP chủ yếu thiết lập các quy định về gia nhập thị trường và đầu tư, trong khi CPTPP bao gồm các lĩnh vực nằm ngoài những quy định trong các hiệp định thương mại tự do khác, bao gồm tiêu chuẩn về lao động và môi trường, luồn thông tin tự do và cung cấp cở sở hạ tầng cho chính phủ.
CPTPP có thể thách thức các quốc gia thành viên nâng cao quy định của họ trong khung thời gian đã thảo thuận, kết quả phân tích cho biết.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement