16/09/2022 07:46
Kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất
Ngân hàng Thế giới vào thứ Năm (15/9) cảnh báo rằng mối đe dọa về một cuộc suy thoái toàn cầu đang gia tăng khi các ngân hàng trung ương tập trung vào việc giảm tỷ lệ lạm phát.
Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua do hạn chế về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu cao sau đại dịch cũng như cuộc chiến của Nga vào Ukraina và chiến lược "zero COVID-19" ở Trung Quốc.
Để đối phó với các vấn đề này, nhiều ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn đã tăng lãi suất cho vay cơ bản nhằm hạ nhiệt nhu cầu và giảm lạm phát.
Trong một báo cáo mới nhất, các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng các hành động này có thể là không đủ để đưa vấn đề giá cả tăng cao vào tầm kiểm soát và việc tăng lãi suất sẽ kìm hãm tăng trưởng.
Nhiều quốc gia sẽ không thể tránh khỏi suy thoái, nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn thế giới "có thể làm tăng căng thẳng tài chính đáng kể và kích hoạt suy thoái toàn cầu vào năm 2023", báo cáo cho biết.
Trong kịch bản đó, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại, còn khoảng 0,5% vào năm 2023 và điều này đáp ứng định nghĩa kỹ thuật của một cuộc suy thoái toàn cầu.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong một tuyên bố: "Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại mạnh mẽ, có khả năng tiếp tục chậm lại khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái kinh tế".
"Mối quan tâm sâu sắc của tôi là những xu hướng này sẽ còn tồn tại, với những hậu quả lâu dài gây khó khăn cho người dân ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển".
Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách "chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất".
Ngân hàng Thế giới vào đầu tháng 6 đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,9%, thấp hơn 1% so với ước tính vào tháng 1.
Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của một tổ chức cho vay phát triển có trụ sở tại Washington, cho biết mối quan tâm lớn nhất của ông là suy thoái kinh tế và khủng hoảng do đại dịch sẽ làm cho công việc "xóa đói giảm nghèo" chậm lại.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, đó không phải là một câu chuyện u ám và tiêu điều, vì các quốc gia đã nỗ lực cải thiện các chính sách kinh tế và quản lý trước đại dịch nhằm bảo vệ người nghèo tốt hơn.
"Tôi có cảm giác rằng chúng ta đi đúng hướng bởi thế giới hiện đã thay đổi và bạn biết đấy, có rất nhiều khả năng có thể xảy ra", ông nói.
Trường hợp xấu nhất được mô tả trong báo cáo hôm thứ Năm của Ngân hàng thế giới sẽ kéo theo sự suy thoái ở các nền kinh tế phát triển và có sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Ngân hàng Thế giới cho biết: "Nền kinh tế toàn cầu hiện đang trong giai đoạn suy thoái mạnh nhất kể từ năm 1970".
"Trong hoàn cảnh đó, ngay cả một tác động vừa phải đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới cũng có thể đẩy nó vào suy thoái".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp