21/04/2019 05:35
Kính mát "hàng hiệu siêu rẻ" tràn ngập và tác hại khôn lường với mắt
Mùa hè đến, việc có một chiếc kính râm vừa thời trang vừa bảo vệ mắt là nhu cầu chung của rất nhiều người. Tuy nhiên, chọn kính thế nào thì không phải ai cũng biết!
Mua kính vỉa hè: Dễ, nhanh, rẻ!
Rảo quanh nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Lý Chính Thắng, Kỳ Đồng, Trần Quang Diệu, Điện Biên Phủ, dọc vỉa hè Quốc lộ 1A, 13, xa lộ Hà Nội..., các bến xe, dưới chân cầu vượt… chúng tôi thấy nhan nhản điểm bán kính giá rẻ. Trung bình chỉ từ 15.000 - 30.000 đồng/chiếc, “xịn” hơn là từ 50.000- 100.000 đồng/chiếc.
Sở dĩ, các sạp kính búa xua vẫn tồn tại được là bởi thay vì phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng cho một cặp kính chất lượng, rất nhiều người dân có thói quen mua kính gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới từ Gucci, Chanel đến Dior, Rayban... từ vài chục ngàn đồng.
Những chiếc kính mắt "hàng hiệu" siêu rẻ được bày bán trên lề đường chợ Nhật Tảo, quận 10, TP.HCM. |
Nhiều người vẫn ung dung sử dụng kính vỉa hè như một món đồ trang sức, thậm chí với mục đích bảo vệ mắt trong việc đi lại hàng ngày nhưng lại không lường trước những nguy hại nó gây ra. Anh Nguyễn Thanh Hà (quân 10, TP.HCM) cho biết: “Tui hay chạy xe, nên phải thường xuyên đeo kính để hạn chế nắng nôi, bụi bặm. Nhưng vì không có nhiều tiền nên dùng kính giá rẻ. Thỉnh thoảng bị nhức, đau mắt, lại mau hư, dùng ít bữa là phải đổi cái khác”.
Còn chị Nguyễn Thị Ngân, (quận 1) cho biết: "Thấy kính bán trên đường vừa rẻ, mẫu mã lại đa dạng nên mua đeo. Khoảng một tháng đầu đeo, mình nhìn mọi thứ cứ loa lóa, khó định hình, mọi thứ cứ mờ mờ, ảo ảo; đeo lâu thì mỏi mắt, nước mắt chảy ra hoài. Đi khám lại mắt, bác sỹ cho biết là mình bị loạn thị”.
Không chỉ người lớn, nhiều bậc phụ huynh thường đeo kính râm cho em khi đi ra đường, để tránh khói bụi và chói lóa mắt do ánh nắng mặt trời, cũng có người thích làm điệu cho con mình một chút, tuy nhiên các bác sỹ chuyên khoa mắt cảnh báo, vô tình các bậc phụ huynh đã làm tổn thương đến mắt của con mình, bởi trẻ con, đôi mắt chưa hoàn thiện, những loại kính như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp và hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với đôi mắt của trẻ.
Hiểm họa khôn lường với mắt
Được bày bán công khai trên thị trường và gần như không được thông qua bất cứ kiểm định nào về chất lượng, các loại kính mát “rẻ, đẹp, hại mắt” (phổ biến nhất là kính RayBan) dễ dàng được người tiêu dùng tìm mua mà không hay biết về tác hại của chúng.
Những chiếc kính này thường được làm bằng vật liệu kém chất lượng, dưới ánh nắng mặt trời, mồ hôi phần viền mắt tại vị trí đeo kính sẽ khiến các lớp hóa chất phủ trên bề mặt kính “hoạt động”. Do tác động của bụi bận, chúng gây ra nhiều tác hại cho mắt của những người có cơ địa yếu như đau mắt, rát mắt, dị ứng, mẩn ngứa…
Ngoài ra, hầu hết những chiếc kính kém chất lượng này không có tác dụng tránh ánh nắng mặt trời và cản tia UV. Chúng khiến người sử dụng dễ bị lóa, chói, chóng mặt, nhức đầu; nặng hơn có thể gặp các bệnh như bỏng võng mạc, viêm giác mạc… thậm chí bị mù
Theo ThS Trần Hoài Long, khoa Khúc xạ BV Mắt TP.HCM, kính mát thời trang bán trôi nổi thường được nhuộm màu nên chỉ có thể lọc khoảng 75% đến 85% ánh nắng mặt trời vào mắt, không lọc được tia cực tím (UV). Muốn lọc được tia này, kính mát phải được ngâm vào một hóa chất đặc biệt.
Do không lọc được tia cực tím nên đeo kính mát ra nắng lâu dài có thể gây tổn thương cho da và gây viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, có thể là tác nhân gây xuất hiện và kích thích mộng thịt phát triển. Ngoài ra, tia cực tím còn có thể gây thoái hóa hoàng điểm (tổn thương võng mạc).
Kính mát đạt chuẩn lọc tia cực tím thường có ghi “protection 100%” hoặc “UV400” (tức lọc hết các tia cực tím). Tuy nhiên, mắt thường không thể phân biệt kính mát có lọc được tia cực tím hay không mà phải có máy đo độ lọc của tia cực tím. Vì vậy, khách hàng nên yêu cầu nơi bán đo độ lọc tia cực tím bằng máy. Nếu rọi vào máy soi, kính chính hãng được phủ lớp chống tia cực tím sẽ hiện dòng chữ số UV400.
Nên chọn kính mát thời trang sậm màu vừa đủ để tạo cảm giác thoải mái và vẫn thấy cảnh quan khi đi trong đêm. Cảnh vật nhìn qua kính không bị mờ, biến dạng hoặc gợn sóng. Kính phải có tính chống vỡ, do đó nên chọn mua tròng plastic. Riêng tròng polycarbonate có tính chống vỡ cao và có thể lọc được tia cực tím. Kính cũng cần cong ôm lấy gương mặt để ngăn các tia cực tím đi vào mắt từ hai bên và từ trên xuống.
Theo bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, Bệnh viện Mắt TƯ, khả năng ngăn chặn tia tử ngoại ở kính râm không phụ thuộc vào màu kính đậm hay nhạt mà phụ thuộc vào chất tráng ở kính hay chất được pha ngay trong nguyên liệu làm kính. Hội Chuyên gia kính mắt Mỹ có quy định kính râm tốt là loại kính phải lọc được 99% tia cực tím. Nhưng trên thị trường hiện nay, phần nhiều kính râm xuất xứ không rõ nguồn gốc, không ghi rõ các thông số, nên không thể bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia cực tím. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp