18/07/2017 02:49
Kiểm soát sự 'trả giá tâm lý' khi khởi nghiệp
Khi nói về chuyện khởi nghiệp, các vấn đề được xoay quanh thường là cảm giác hài lòng, sự mãn nguyện khi xây dựng được điều gì đó từ chỗ không có gì.
Điều này có thể là sự thật, nhưng cũng tồn tại một khía cạnh khác trong đời sống của một doanh nhân khởi nghiệp: cái giá mà họ phải trả.
Cái “giá” muốn nói đến ở đây là “giá tâm lý”. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành gần đây tại Mỹ, 30% các doanh nhân khởi nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ phải đối mặt với chứng trầm cảm. Trong khi 29% bị hội chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và 27% cảm thấy lo âu.
Những vấn đề sức khỏe tinh thần nếu không được quan tâm có thể gây nên các tác dụng phụ làm doanh nhân suy nhược và sẽ gây bất lợi cho cả doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi họ đang cần quyết định một sự chọn lựa, tâm lý lo âu có thể khiến họ đánh giá quá cao hoặc quá thấp kết quả của sự lựa chọn này.
Trầm cảm cũng có tác động tương tự với việc ra quyết định, nó có thể dẫn đến cái nhìn bi quan hơn, khiến doanh nhân không thể sử dụng thông tin sẵn có để thực hiện quyết định một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, cảm giác dửng dưng, thờ ơ có thể dẫn đến sự thiếu tự tin, khiến họ cảm thấy mình trở nên kém giá trị. Trong khi đó, nhân viên lại không chỉ mong đợi tiền lương mà còn muốn có một người lãnh đạo đáng tin cậy và một hình mẫu để học hỏi và đi theo.
Mặc dù những dấu hiệu stress ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần là khác nhau tùy mỗi người, nhưng có vài điều cần được quan tâm.
Một trong những điều đó là tính khí. Nếu nhà khởi nghiệp phản ứng với những thông tin không được mong đợi bằng cách nhanh chóng buồn bực, giận dữ thì đó là một dấu hiệu.
Nếu một doanh nhân có khả năng tiếp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng nhưng một giai đoạn bỗng không thể chấp nhận sự chỉ trích, hoặc thường tranh cãi trước những nhận xét tiêu cực, thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy họ đang chịu đựng sự căng thẳng. Và stress đang gây ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của họ.
Có thể họ cũng nhận ra tâm trí của mình đang thay đổi thường xuyên hơn và gặp khó khăn khi phải ra quyết định, nghiêm trọng đến mức bắt đầu sao nhãng trách nhiệm và “lê lết” khi đối mặt với một sự chọn lựa.
Các dấu hiệu khác bao gồm đa nghi thái quá về những người xung quanh (bao gồm cả đối tác đáng tin cậy và nhà đầu tư), quá nhạy cảm với quan điểm của người khác.
Cho dù mở và xây dựng công ty là một hành trình đầy thăng trầm, nhưng vẫn có những điều các doanh nhân có thể làm để giúp cuộc sống của họ không trượt ra khỏi tầm kiểm soát. Bác sĩ, nhà tâm lý và tâm thần học Michael A. Freeman (thuộc Đại học California) - người từng là doanh nhân khởi nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất là nên dành thời gian cho những người thân yêu.
“Khi phải chiến đấu với chứng trầm cảm thì các mối quan hệ với bạn bè và gia đình có thể là vũ khí mạnh mẽ. Và cũng đừng ngần ngại nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia nếu như bạn đang cảm thấy các triệu chứng như lo âu quá nhiều, rối loạn stress sau thất bại hoặc trầm cảm", Freeman khuyên.
Bên cạnh đó, Freeman cũng khuyên các doanh nhân khởi nghiệp nên hạn chế mức rủi ro tài chính: “Khi đánh giá rủi ro, những điểm mù thì thường đủ to để một chiếc xe tải vượt qua. Hậu quả sẽ không chỉ làm chao đảo tài khoản của bạn mà cả mức độ stress. Vì thế, nên đặt ra giới hạn cho số tiền riêng mà bạn sẵn sàng đầu tư. Và đừng để bạn bè và gia đình góp nhiều hơn khả năng (có thể mất)”.
Tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ cũng sẽ giúp nhiều cho bạn. “Hãy nuôi dưỡng một cuộc sống tách khỏi công ty của bạn. Những khía cạnh khác của cuộc sống cũng là một phần làm nên bản sắc của bạn”, Freeman nói.
Khả năng để thay đổi sau thất bại và mất mát cũng giúp cho các doanh nhân duy trì sức khỏe tinh thần tốt. Thay vì tự nói với chính mình “Tôi đã thất bại, tôi là kẻ thua cuộc”, thì họ nên nhìn vào thực trạng với một quan điểm khác: “Cuộc sống là một hành trình thử nghiệm và mắc lỗi. Đừng phóng đại một kinh nghiệm”.
Cuối cùng là cởi mở với cảm xúc, không “đeo mặt nạ” cho cảm xúc, thậm chí ở văn phòng làm việc, Brad Feld – Giám đốc điều hành của Công ty Đầu tư Foundry Group gợi ý. Theo ông, khi bạn trung thực về mặt cảm xúc, bạn có thể kết nối sâu hơn với những người xung quanh.
Khởi nghiệp có cái giá của nó và những cảm xúc như lo âu, trầm cảm hay stress không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đó chỉ là cách cơ thể và tâm trí của bạn phản ứng trước một sự kích thích đặc biệt. Một khi bạn biết được những dấu hiệu này, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn để xử lý những thứ đến và đi hằng ngày trong đời sống công việc.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp