06/10/2022 18:31
Khuyến nghị cổ phiếu 7/10: KDC, GMD, NLG, PLX, DPR, PHR
KDC, GMD, NLG, PLX, DPR, PHR là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 7/10, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị KDC: Khả quan
CTCK Yuanta Việt Nam – FSC: Công ty CP Tập đoàn KIDO (HOSE - Mã: KDC) công bố KQKD Q2/2022 với doanh thu 3.545 tỷ đồng, tăng 36% YoY, LNTT 275 tỷ đồng, tăng 48% YoY. Lũy kế 6T2022, KDC ghi nhận doanh thu 6,496 tỷ đồng, tăng 30% YoY, LNTT 427 tỷ đồng, tăng 27% YoY, hoàn thành lần lượt 46% và hơn 47% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2022.
KQKD Q2/2022 tăng trưởng mạnh chủ yếu là từ mảng dầu ăn. KDC cho biết đã tăng cường đẩy mạnh việc đưa sản phẩm vào kênh MT (siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi,…), hưởng lợi từ việc giá bán dầu ăn tăng mạnh so với cùng kỳ (thiếu hụt nguồn cung từ Ukraine) và lợi thế thị phần hàng đầu trong nước. Biên lãi gộp Q2 tiếp tục tăng mạnh lên mức 25,1% (cùng kỳ 18,7%).
Sức tiêu thụ bán lẻ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh xuyên suốt trong Q3/2022 bất chấp tác động của lạm phát. Chúng tôi cho rằng KDC, với lợi thế thị phần hàng đầu ở mảng dầu ăn và bánh kẹo (bắt đầu quay trở lại kinh doanh từ 2020), sẽ hưởng lợi từ sự hồi phục mạnh mẽ thị trường bán lẻ.
Bên cạnh mảng dầu ăn hiện tại đã chiếm số 1 thị phần, động lực tăng trưởng của KDC sẽ đến từ mảng bánh kẹo. Trong tháng 4/2022, Kido đã đưa nhà máy bánh kẹo Kido's Bakery với diện tích 12.735 m² vào hoạt động, công suất hoạt động 19.044 tấn/năm, đây sẽ là động lực tăng trưởng cho KDC trong dài hạn. KDC cho biết trong mùa Trung thu vừa qua, Tập đoàn ghi nhận lần lượt doanh thu và lợi nhuận là 200 tỷ (+25% YoY) và 60 tỷ đồng (+68% YoY).
Một động lực tăng trưởng khác, KDC đang tích cực mở rộng chuỗi cửa hàng Chuk Tea & Coffee với tốc độ khá nhanh, từ 25 cửa hàng tại Q2/2022 đến hiện tại là 45 cửa hàng và mục tiêu gần nhất là 300 cửa hàng vào năm 2023. Địa bàn kinh doanh cũng mở rộng ra các tỉnh thành ngoài TP HCM là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, KDC đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 28.3x (tương ứng EPS TTM là 2.298 đồng). Mức Stock Rating của KDC giao dịch ở mức 93 điểm cho nên chúng tôi vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của KDC đóng cửa tăng 4,3% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ và vẫn thấp dưới mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vượt lên trên đường trung bình 20 phiên và có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của KDC cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.
Khuyến nghị GMD: Động lực tăng trưởng vẫn kỳ vọng cảng Gemalink
Công ty CP Gemadept (HOSE - Mã: GMD) ghi nhận doanh thu thuần trong Q2/2022 đạt 978 tỷ đồng, tăng 30% YoY, LNTT đạt 370 tỷ, tăng 89% YoY. Lũy kế 6T2022, GMD ghi nhận doanh thu thuần 1,858 tỷ đồng, tăng 29% YoY, LNTT đạt 720 tỷ đồng, tăng 86% YoY. Như vậy, GMD đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Doanh thu Q2/2022 của GMD tăng trưởng ở cả 2 mảng chính: khai thác cảng và logistics – cho thuê văn phòng – các hoạt động khác. Chúng tôi nhận thấy doanh thu mảng chính khai thác cảng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong Q2/2022 tuy là có chậm hơn do tình hình xuất nhập khẩu cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát và chi phí vận tải tăng cao. Biên lợi nhuận Q2 tăng lên mức 44.6% (cùng kỳ 42.4%) nhờ tăng giá dịch vụ cảng. Lợi nhuận GMD tăng mạnh còn nhờ cảng Gemalink đã có lãi từ Q4/2021.
Động lực tăng trưởng GMD vẫn là kỳ vọng vào cảng Gemalink. Theo kế hoạch của GMD, ở giai đoạn 1 hiện tại, cảng Gemalink có năng lực xếp dỡ là 1,5 triệu TEU/năm, năm 2022 sẽ chiếm 15% thị phần tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Chúng tôi cho rằng kế hoạch này khá khả thi vì trong 6T2022, sản lượng hàng qua cảng Gemalink là 0,6 triệu TEU, đạt 53% kế hoạch năm 2022. GMD ước tính sẽ tăng thị phần Gemalink lên 20% khi tối đa công suất hoạt động 1,5 triệu TEU trong 2023.
Gemalink giai đoạn 2 đang trong quá trình thực hiện các thủ tục, thu xếp vốn để triển khai xây dựng trong nửa cuối 2022. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, tổng công suất Gemalink sẽ tăng lên 3 triệu TEU, kỳ vọng sẽ đưa thị phần Gemalink sẽ tăng lên 30-35%.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cho biết hiện đang làm việc với các bên về việc chuyển nhượng 24% cổ phần Gemalink, vẫn sẽ ưu tiên đối tác hãng tàu để tối ưu hiệu suất Gemalink. Việc chuyển nhượng vốn thành công sẽ giúp GMD tăng năng lực tài chính để phục vụ đầu tư giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của 2 dự án cảng này, tổng công suất GMD sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GMD đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 17,1x (tương ứng EPS TTM là 2.914 đồng). Mức Stock Rating của GMD ở mức 87 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của GMD đóng cửa tăng 2,8% với khối lượng giao dịch giảm nhẹ và vẫn trên mức trung bình 20 phiên. Điểm tích cực thanh khoản đã có sự cải thiện mạnh trong 5 phiên giao dịch gần đây. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi mức Sức mạnh giá trên 80 hoặc xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.
Khuyến nghị NLG: Khả quan
CTCK Rồng Việt - VDSC: Trong quý III/2022, Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE - Mã: NLG) chỉ mở bán hai phân khu mới là Akari- tòa 9 (26/7) và Ehome Southgate – giai đoạn 2 (21/8). Tuy nhiên hoạt động bán hàng đã có sự chậm lại. Lũy kế 9 tháng, Chứng khoán Rồng Việt ước tính giá trị pre-sales ở mức 9.600 tỷ đồng, tăng khoảng 1.200 tỷ đồng so với cuối quý II vừa qua.
Trong quý III, Rồng Việt ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ (NPATMI) đạt lần lượt 812 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, VDSC dự báo doanh thu và lãi sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 4.403 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và 245 tỷ đồng, giảm 77%, tương ứng thực hiện 62% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. EPS ước đạt 640 đồng/cp.
Khuyến nghị PLX: Mua với giá mục tiêu 44.500 đồng/CP
CTCK MB (MBS): Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX – sàn HOSE) tiếp tục khẳng định vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu ngành khi sản lượng bán hàng nội địa 8 tháng đầu năm đạt 6,76 triệu m3 (trm3), tăng 17,6%, trong đó riêng bán lẻ đạt 4,13 trm3, tăng 21% so với cùng kỳ 2021.
Trong kỳ 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán hàng đạt 152 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 79% so với cùng kỳ, do giá dầu tăng mạnh 64% và sản lượng bán nội địa tăng 9%. Mặc dù vậy, do chi phí kinh doanh tăng mạnh cùng với dự phòng hàng tồn kho cuối kỳ 1.330 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 301 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ 2021. Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu lỗ trước thuế là 595 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, do nguồn cung xăng dầu trong nước bị gián đoạn, công ty phải gia tăng nhập khẩu với tỷ lệ 46% trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh lên đỉnh nhiều năm, khiến các chi phí tăng mạnh làm hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Tại thời điểm cuối kỳ, giá trị dự phòng tồn kho đạt 1.330 tỷ đồng
Dự báo trong nửa cuối năm 2022 những khó khăn của thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước như đảm bảo nguồn cung, tính đủ các chi phí định mức, giá xăng dầu biến động ít hơn sẽ làm cho thị trường và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động hiệu quả hơn. Công ty cũng trao đổi, tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu của công ty giảm từ 46% về mức 30%, nguồn cung nội địa là khoảng 70%.
Trong những tháng cuối năm 2022, nền kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho vận tải, sản xuất tiếp tục tăng lên mạnh mẽ so với mức nền thấp cùng kỳ 2021. Chúng tôi dự báo sản lượng xăng dầu kinh doanh cả năm 2022 của công ty sẽ đạt mức từ 13,3-13,5 triệu tấn, tương đương mức tăng từ 8-10% so với 2021.
Từ năm 2023, với giả thiết thị trường xăng dầu hoạt động ổn định trở lại, nguồn cung trong nước ổn định từ 2 nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Hoạt động của công ty sẽ khởi sắc trở lại và hiệu quả tăng lên. Bên cạnh đó các hoạt động thoái vốn được thực hiện cũng mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Chúng tôi dự báo doanh thu có thể đạt 230 nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 5,55 nghìn tỷ đồng, tăng 79% và 140% so với 2022.
Hiệu quả kinh doanh suy giảm trong 6 tháng đầu năm do những biến động mạnh của thị trường xăng dầu trong nước, doanh thu tăng mạnh 79% nhưng lợi nhuận lại giảm đến 89% so với cùng kỳ 2021.
Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh của công ty sẽ ổn định lại và hiệu quả tăng lên, dự báo doanh thu cả năm đạt 291 nghìn tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 nghìn tỷ, bằng 172% và 61% của năm 2021. Với quy mô và vị thế của công ty, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 44.500 đồng/cổ phần cho 12 tháng tới.
Khuyến nghị DPR: Khả quan giá mục tiêu 78.500 đồng/CP
CTCK Tiên Phong (TPS): Trong nửa đầu năm 2022, DPR ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 499,7 tỷ đồng nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ. Hoạt động thanh lý cây cao su cũng được đẩy mạnh so với cùng kỳ, đưa lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng mạnh 41% lên mức 119,6 tỷ đồng.
Trong năm 2022, DPR kỳ vọng UBND tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện thu hồi khoảng 120 ha đất theo đơn giá 1 tỷ đồng/ha tương ứng với mức đền bù 120 tỷ đồng. Hiện tại, DPR đã hoàn thành các thủ tục để bàn giao 55 ha tại KDC Tiến Hưng trong tháng 6 và dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao thêm 45ha đất cùng tại khu vực này trong giai đoạn cuối năm.
HĐQT đã thông qua hợp đồng sáp nhập giữa DPR và DPD cũng như kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi nhằm nâng sở hữu tại DPD từ 88.41% lên 100% vốn điều lệ. Theo đó, DPR sẽ phát hành thêm 443,025 cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của DPD với tỷ lệ hoán đổi dự kiến 3.14:1.
DPR đã thông qua mức chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 35% cho 2021 và 15% cho 2022 tại buổi ĐHCĐ thường niên 2022. Trước đó doanh nghiệp đã thực hiện chi trả lần 1 trong 2021 với tỷ lệ 15%, dự kiến DPR sẽ thực hiện chi trả nốt 20% còn lại vào cuối năm 2022.
Cho cả năm 2022, chúng tôi dự báo DPR sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 1.236 tỷ đồng (tăng 1,6% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ xuống 422 tỷ đồng (giảm 11%).
Mức dự báo doanh thu cao hơn so nửa đầu dựa trên các cơ sở: (1) sản lượng mủ cao su tiêu thụ tăng mạnh vào vụ cao điểm, nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá mủ cao su; (2) kỳ vọng DPR nhanh tiến độ thanh lý trong thời gian tới với kế hoạch thanh lý 527 ha cao su (3) dự kiến doanh nghiệp sẽ bàn giao 20 ha cho năm 2022, đem lại khoản thu nhập đền bù đất 120 tỷ theo giả định đơn giá bằng với mức 2021.
Chúng tôi giữ triển vọng khả quan đối với DPR nhưng điều chỉnh giảm mức PE mục tiêu theo diễn biến chung của ngành. Áp dụng mức EPS dự phóng 9,814 lên PE mục tiêu 8x, giá trị hợp lý của DPR được xác định ở mức 78.500 đồng/CP, cao hơn 26.6% so với giá đóng cửa vào 03/10/2022.
Khuyến nghị PHR: Mua giá mục tiêu 65.500 đồng/CP
CTCK Tiên Phong (TPS): Vườn cao su của PHR tại Campuchia bắt đầu hoạt động trồng cao su vào 2009 và đã đưa vào khai thác 402 ha đầu tiên vào 2016. Trong 2021, đơn vị này thu hoạch tổng cộng 11.462 tấn cao su (tăng 17,4% so với năm trước), chính thức vượt sản lượng cao thu tại thị trường nội địa (10,469 tấn). Hiện tại, diện tích vườn cao su đã đạt 7.589 ha, tương đương 55% tổng diện tích cao su công ty mẹ.
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi đánh giá vườn cây tại khu vực Campuchia sẽ là động lực thúc đẩy chính cho mảng cao su của PHR trên cơ sở: (1) Vườn cây đã được đầu tư đầy đủ, đảm bảo hiệu suất khai thác tối ưu trong điều kiện thời tiết bất lợi; (2) Tuổi cây trung bình tại Campuchia chưa cao, đem lại nhiều dư địa để tăng trưởng sản lượng; (3) Dây chuyền sản xuất mủ SVR CV50/60 dự kiến sẽ gia tăng giá trị cho thành phẩm.
Với tổng diện tích rừng cao su hơn 15.277 ha tại các khu vực trọng điểm về công nghiệp như Nam Tân Uyên (Bình Dương), công ty đang có định hướng chuyển mình để phát triển bền vững với mục tiêu chuyển đổi khoảng 5.000 ha đất để xây dựng 5 khu công nghiệp và nghiên cứu đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2020– 2025. Hiện tại việc chuyển đổi đất cao su vẫn còn vướng mắc một số quy trình pháp lý, dẫn đến giai đoạn đầu tư có thể bị kéo dài.
Chúng tôi dự báo PHR sẽ đạt mức doanh thu thuần đi ngang với cùng kỳ, đạt 1.936 tỷ đồng (giảm 0,5%) trong năm 2022 nhưng nguồn thu nhập từ tiền đền bù đất sẽ hỗ lợi nhuận sau thuế công ty tăng trưởng mạnh lên mức 863 tỷ đồng (tăng 111,5%)
Dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) giá trị hợp lý của PHR được xác định ở ở mức 65.500 đồng/CP, tương ứng với lợi nhuận kỳ vọng 27.7% so với giá đóng cửa ngày 03/10/2022. Hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch mở mức 10.2x, chiết khấu 7% so với giá trị trung vị 5 năm gần nhất.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp