30/01/2023 18:31
Khuyến nghị cổ phiếu 31/1: GAS, PVT, HT1, HVN, PHR, PAN, GMD
GAS, PVT, HT1, HVN, PHR, PAN, GMD là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 31/1, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị GAS: Xem xét mua cổ phiếu ở mức giá hiện tại
CTCK Yuanta Việt Nam – FSC: Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) vừa công bố ước tính KQKD quý IV/2022 với doanh thu khoảng 21.328 tỷ đồng, tăng 6% YoY, LNST 1.574 tỷ đồng, giảm 22% YoY. Lũy kế cả năm 2022, ước tính doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 25% YoY, LNST 13.300 tỷ đồng, tăng 21% YoY, hoàn thành lần lượt 125% chỉ tiêu doanh thu và 189% chỉ tiêu lợi nhuận 2022.
Lợi nhuận quý IV/2022 suy giảm tuy nhiên FSC nhận thấy điều này đã nằm trong kế hoạch do giá dầu giảm. Năm 2022 vẫn là năm có doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập PV GAS. Việc giá bán khí neo theo giá dầu brent có thế giúp GAS hưởng lợi trực tiếp khi giá dầu tăng cao. GAS cho biết sản lượng khí bán ra tăng 8% YoY nhờ nhu cầu cao cho ngành điện và phân bón. GAS duy trì thị phần số 1 như cung cấp cho 11% tổng sản lượng điện, 70% sản lượng phân đạm và 70% thị phần LPG cả nước. GAS cho biết sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao 25%/vốn điều lệ.
Trong ngắn hạn, FSC kỳ vọng GAS sẽ tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh giá dầu sẽ tiếp tục ở mức cao, một phần nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc. Các tổ chức lớn đang dự báo giá dầu WTI trung bình cho 2023 ở mức 80-96 USD/thùng.
Trong trung hạn, động lực tăng trưởng từ 2023 của GAS đến từ dự án kho LNG Thị Vải đã hoàn thành giai đoạn 1 và có thể bắt đầu vận hành thương mại từ 2023. Giai đoạn 2 của kho dự kiến cũng sẽ triển khai trong 2023.
Bên cạnh đó, thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu là dự án Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ khởi công trong 2023 và kỳ vọng đón dòng khí đầu tiên vào 2025. Trong đó, GAS sở hữu 51% vốn hệ thống đường ống dẫn khí tại đây. Ngoài ra, dự án Mỏ Sư Tử Trắng đã cho dòng khí đầu tiên vào bờ và dự kiến giai đoạn 2B bắt đầu khai thác từ 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GAS đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 20.5x (tương ứng EPS TTM là 5.262 đồng). Mức Stock Rating của GAS ở mức 86 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của GAS đóng cửa tăng 3,5% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của GAS vượt lên trên đường trung bình 50 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của GAS cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA cổ phiếu này ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5% và nâng tỷ trọng lên mức tối đa 19,48% nếu mức Sức mạnh giá trên 80 điểm.
Khuyến nghị PVT: Khả quan
CTCK Tiên Phong – TPS: Quan điểm đầu tư đối với cổ phiếu PVT của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) là vận chuyển dầu thô và sản phẩm toàn cầu các phân khúc có thể sẽ ổn định vào năm 2023, động lực tăng giá cước sẽ đối mặt với những thách thức do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, ngành vận tải dầu thô và sản phẩm xăng dầu trong nước vẫn có động lực tiếp tục tăng trưởng nhờ giá cước vận chuyển dầu thô vẫn ở mức cao và vấn đề an ninh năng lượng tạo tính cấp thiết nhu cầu gia tăng dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia.
Giá cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức P/E khoảng 8,0 lần tiệm cận mức trung bình 5 năm 8,5 lần, vùng giá hiện tại của PVT chưa hấp dẫn cho đầu tư trung dài hạn.
Rủi ro: giá dầu biến động phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu xăng dầu, giá cước vận tải chịu nhiều tác động từ diễn biến giá cước vận tải thế giới trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, trong giai đoạn đầu tư tàu nên khấu hao và nợ vay cao với D/E là 52,3% do đó lãi suất và tỷ giá tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Khuyến nghị HT1: Khả quan
CTCK Bản Việt – VCSC: Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) công bố KQKD quý IV/2022 với doanh thu đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (+2% QoQ & +14% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 58 tỷ đồng (+58% QoQ & +6% YoY). Nhìn chung, KQKD quý IV/2022 của công ty phản ánh doanh thu và biên lợi nhuận gộp ổn định ở mức 9,1% so với 8,4% trong quý III/2022, chủ yếu nhờ HT1 đã tiêu thụ một phần tồn kho than đầu vào chi phí cao.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp nửa cuối năm 2022 đạt 8,7%, thấp hơn so với 11,3% trong nửa đầu năm 2022 và 12,3% trong cả năm 2021 (dù đã có ảnh hưởng của dịch COVID-19). Biên lợi nhuận thấp trong nữa cuối năm 2022 chủ yếu là do giá bán cao hơn không đủ bù đắp cho giá than đầu vào tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu kém tích cực trong nửa cuối năm 2022.
Doanh thu cả năm 2022 của HT1 đạt 8,9 nghìn tỷ đồng (+26% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 262 tỷ đồng (-29% YoY). Chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS cả năm 2022 chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm trong bối cảnh giá than đầu vào tăng và chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) tương ứng so với doanh thu cũng tăng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Trong năm 2022, ngành xi măng của Việt Nam ghi nhận mức giảm mạnh từ hoạt động xuất khẩu (tổng sản lượng clinker và xi măng xuất khẩu giảm 31% YoY trong 10T 2022) do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường trong nước (Trung Quốc chiếm 32% tổng sản lượng xuất khẩu trong 10T 2022).
Khuyến nghị HVN: Khả quan
CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HVN – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 70,6 nghìn tỷ đồng (tăng 153% so với năm trước) và lỗ ròng 10,5 nghìn tỷ đồng (tương ứng 81% khoản lỗ năm 2021). Doanh thu và khoản lỗ ròng của HVN trong năm 2022 lần lượt tương đương 101% và 115% dự báo của chúng tôi cho năm 2022.
Trong quý 4/2022, doanh thu của HVN tăng 112% so với cùng kỳ, đạt 19,5 nghìn tỷ đồng với khoản lỗ ròng 2,7 nghìn tỷ đồng so với khoản lỗ ròng 1,1 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021.
Hãng hàng không ghi nhận khoản lỗ ròng năm 2022 cao hơn dự kiến, chủ yếu do mảng vận tải quốc tế phục hồi chậm cũng như chi phí nhiên liệu và chi phí tài chính tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các chuyến bay quốc tế sẽ phục hồi và biên lợi nhuận sẽ cải thiện vào năm 2023.
Khuyến nghị PHR: Mua với giá mục tiêu là 55.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): CTCP Cao su Phước Hòa (PHR – sàn HOSE) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Cao su và kinh doanh Khu công nghiệp. Quỹ đất KCN tiềm năng lớn tại tỉnh Bình Dương với hơn 5.600 ha (chuyển đổi từ đất cao su) và giá vốn thấp.
Mảng cao su kỳ vọng ổn định trong năm 2023 do (1) giá cao su kỳ vọng phục hồi nhẹ và duy trì ở mức thấp khi nhu cầu hồi phục tại thị trường Trung Quốc; (2) Sản lượng cao su dự báo tăng chủ yếu nhờ sản lượng khai thác từ vườn cây Campuchia.
Kỳ vọng tiền đền bù chuyển nhượng đất Khu công nghiệp VSIP 3 còn lại với khoảng 609 tỷ đồng (đã ghi nhận 289 tỷ đồng vào quý I/2022) sẽ tiếp tục được ghi nhận trong quý IV/2022 và năm 2023, giúp lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PHR tăng hơn 100%.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 dự báo tăng mạnh nhờ ghi nhận thu nhập từ tiền đền bù đất hơn 400 tỷ đồng ở dự án VSIP 3 và phần còn lại ghi nhận cho năm 2023. Tuy nhiên lợi nhuận ước tính cho năm 2023 có thể giảm khi thu nhập từ đền bù đất thấp hơn.
Động lực dài hạn từ mảng bất động sản khu công nghiệp: Về dài hạn, PHR hưởng lợi nhiều từ mảng bất động sản khu công nghiệp khi các dự án Khu công nghiệp Tân Lập 1, Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng kỳ vọng được phê duyệt và triển khai trong năm 2024 - 2025. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng nhờ các khoản đầu tư vào công ty liên kết như NTC, VSIP 3 khi các dự án Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 đi vào hoạt động.
Do đó, chúng tôi đánh giá PHR là cổ phiếu tiềm năng với giá mục tiêu 55.000 đồng/CP.
Khuyến nghị PAN: Mua với giá mục tiêu là 20.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): Trong quý III/2022, CTCP Tập đoàn PAN (PAN – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 3.586 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng (tăng trưởng 94%). Như vậy, PAN đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận sau thuế với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đạt lần lượt 9.756 tỷ đồng (tăng trưởng 52%) và 539 tỷ đồng (tăng trưởng 133%).
Với mức hoàn thành kế hoạch sau quý III cao hơn nhiều so với mọi năm, PAN được kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch cho cả năm 2022 khi quý IV thường là mùa cao điểm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Mảng gạo và giống cây trồng (NSC) có triển vọng tích cực trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa hậu zero Covid và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Sự cố nhà máy Vinarice làm gián đoạn sản lượng trong Quý 3 đã được khắc phục và đã hoạt động trở lại bình thường từ tháng 9.
Mảng tôm (FMC) có thể gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu 2023 khi nhu cầu xuất khẩu giảm. Mặc dù vậy, FMC sử dụng nguồn nguyên liệu tại vùng nuôi (30% sản lượng tôm đầu vào) với chi phí nuôi thấp, giúp FMC tiết giảm được chi phí đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Mảng thuốc khử trùng và thuốc bảo vệ thực vật (VFG) ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ ký được hợp đồng phân phối chiến lược cho Syngenta. Mảng bánh kẹo (BBC) phục hồi mạnh trong năm 2022 khi dịch bệnh Covid 19 được kiểm soát. Hai mảng này tiếp tục được kỳ vọng mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho PAN trong năm 2023.
Do đó, chúng tôi đánh giá PAN là cổ phiếu tiềm năng với giá mục tiêu 20.000 đồng/CP.
Khuyến nghị GMD: Mua với giá mục tiêu là 60.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): Vào ngày 30/12/2022, CTCP Gemadept (GMD – sàn HOSE) đã thông qua kế hoạch thoái vốn 85% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ, đây là một trong những cảng chính của GMD ở khu vực phía Bắc với sản lượng gần 600.000 TEUs/năm. Khi thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, GMD có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán tài sản.
Mặc dù chưa có thông tin chính xác về mức giá bán cảng Nam Hải Đình Vũ, nhưng chúng tôi ước tính GMD có thể bán cảng này và thu về khoảng 2.000 tỷ đồng (tương ứng với p/e khoảng 10 lần) và ghi nhận lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ lợi nhuận cho năm 2023 nhiều khó khăn và tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án trong tương lai: Ngành cảng biển sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng hàng hóa và container cập cảng. Thoái vốn tại Nam Hải Đình Vũ giúp GMD ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến và cải thiện tính hình tài chính hiện nay. GMD sẽ có thêm nguồn lực để hoàn thiện dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và Gemalink giai đoạn 2 mà không cần huy động thêm vốn vay quá nhiều.
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 kỳ vọng đạt hiệu suất cao sau khi vận hành: Hiện nay cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng và có thể vận hành từ Q1/2023 với công suất khoảng 500.000 TEUs/năm. Việc GMD thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ có thể giúp cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 nhanh chóng đạt hiệu suất cao hơn khi được nhận một phần khối lượng hàng hóa điều chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ sang.
Do đó, chúng tôi đánh giá GMD là cổ phiếu tiềm năng với giá mục tiêu 60.000 đồng/CP.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp